Chi tiết - Sở Công Thương
Đang truy cập: 35
Hôm nay: 258
Tổng lượt truy cập: 1.617.375
Tham quan, học tập kinh nghiệm về canh tác cà phê nông lâm kết hợp, hữu cơ tại tỉnh Champasak
Nhằm trao đổi, học hỏi và chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thực hành tốt về các mô hình canh tác cà phê theo hướng nông lâm kết hợp, hữu cơ thành công của Công ty Slow Forest Plateau Lào tại tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào, cuối tháng 5/2024, với sự hỗ trợ của Dự án Sản xuất cà phê sinh thái và Cải thiện rừng tự nhiên (Dự án PFFP, WWF-Việt Nam), Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị đã có chuyến học tập và chia sẻ kinh nghiệm tại tỉnh Champasak, nước CH DCND Lào.
Đoàn gồm 29 thành viên do ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị làm trưởng Đoàn và lãnh đạo, cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND huyện Hướng Hóa, PFFP, Công ty Slow; cán bộ, doanh nghiệp, nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Tìm hiểu mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm
Tại tỉnh Champasak, Lào, Đoàn đã tìm hiểu thông tin về tình hình thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa Công ty Slow Forest Plateau Lào (một Công ty con của Công ty Slow Forest Plateau PTE) với HTX và nông dân. Công ty Slow Forest Plateau PTE được thành lập từ năm 2018, Văn phòng đăng ký hoạt động tại Singapore, có công ty con tại Lào, Việt Nam (Công ty TNHH Slow Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị), có văn phòng đại diện tại Philippines. Thị trường tiêu thụ cà phê của Công ty chủ yếu tập trung vào khu vực Châu Âu với hơn 150 nhà phân phối và tiêu thụ sản phẩm cà phê; Sứ mệnh và tầm nhìn của Công ty đối với chuỗi cà phê nhằm hướng đến sản xuất bền vững và phục hồi vành đai đa dạng sinh học, nỗ lực phấn đấu đạt được các chuỗi giá trị theo hướng thông minh và tái sinh.
Với sự hỗ trợ của Công ty Slow Forest Plateau Lào, Hợp tác xã cà phê sinh thái Slow (Slow Eco Coffee) thành lập vào năm 2021 với 121 thành viên ở trên địa bàn 14 thôn thuộc 02 tỉnh (Champasak và Salavan), đến nay số lượng thành viên tăng lên 132 thành viên, trụ sở của HTX được đặt tại bản Banglieng, huyện Paksong, tỉnh Champasak.
Khảo sát học tập và chia sẻ kinh nghiệm làm vườn ươm tại Công ty Slow - Ảnh: Nguồn Dự án PFFP, WWF-Việt Nam |
Hiện nay, Công ty Slow Forest Plateau Lào và HTX cà phê sinh thái Slow đang liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê thóc. Công ty Slow hỗ trợ cho HTX cà phê sinh thái Slow các nội dung đào tạo tập huấn canh tác cà phê nông lâm kết hợp theo quy trình chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn Châu Âu; Hỗ trợ 100% chi phí thực hiện đánh giá và cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu cho vùng nguyên liệu của các hộ thành viên của HTX; Khoản chênh lệch giá bán cà phê không có chứng chỉ và có chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn EU được trích lại 20% để hỗ trợ công tác vận hành hoạt động của bộ máy quản lý HTX cà phê sinh thái Slow.
Tổng diện tích sản xuất cà phê có liên kết là 520 ha, trong đó: Cà phê Arabica khoảng 370 ha, cà phê Robusta khoảng 150 ha, diện tích cà phê trồng từ năm 2011. Cà phê được trồng ở 13 bản của huyện Paksong, tỉnh Champasak và 01 bản của huyện Lao Ngam tỉnh Salavan. Diện tích được cấp chứng nhận cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn EU là 443 ha; Sản lượng vùng nguyên liệu cà phê: Tổng sản lượng diện tích cà phê liên kết năm 2023 khoảng 420 tấn cà phê thóc, trong đó khoảng 330 tấn cà phê Arabica, 90 tấn cà phê Robusta.
Công ty Slow Forest Plateau Lào thành lập bộ phận để hỗ trợ HTX thực hiện một số nội dung: tập huấn kỹ thuật, giám sát cam kết của các hộ thành viên, thu thập dữ liệu vườn, kiểm tra chất lượng cà phê nhập từ các nhóm sản xuất của HTX… Ngược lại HTX có trách nhiệm quản lý chất lượng vùng nguyên liệu theo quy trình canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu, đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm cà phê thóc của các thành viên theo quy định của hợp đồng; phối hợp với công ty để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết giữa công ty và các nông hộ.
Tham quan thực địa mô hình cà phê nông lâm kết hợp
Trong thời gian 03 ngày tại tỉnh bạn, Đoàn công tác đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu thực địa, học tập, trao đổi và thảo luận tại các địa điểm vườn cà phê. Từ tham quan thực địa mô hình cà phê nông lâm kết hợp cho thấy hầu hết các vườn cà phê không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; Nhận thức của các nông hộ về yêu cầu hệ sinh thái của cây cà phê Arabica tương đối tốt do đó hầu hết các vườn cà phê đều có hệ thống cây che bóng, tỷ lệ che bóng vườn cà phê rất cao khoảng từ 50-60%, tập trung một số loại cây bản địa, cây muồng; Năng suất cà phê đạt từ 4-5 tấn quả tươi/ha, sản phẩm cà phê từ các vườn này được khách hàng Châu Âu mua với giá cao. Kỹ thuật chăm sóc cà phê tại các nông hộ được áp dụng theo quy trình hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu (Sử dụng vỏ cà phê để ủ phân hữu cơ bón cho cây, sử dụng máy phát cỏ để làm cỏ dại….); Diện tích cà phê nông hộ tương đối lớn, trung bình 04 ha/hộ gia đình, các hộ có máy móc để thực hiện các hoạt động sơ chế cà phê thóc và nhập trực tiếp cà phê cho công ty Slow. Tuy nhiên, việc lựa chọn hệ thống cây che bóng chủ yếu là các loài cây lâm nghiệp, do đó chưa tạo thêm thu nhập trên diện tích trồng cà phê. Công ty Slow Forest Plateau Lào có Vườn ươm cây giống cà phê với số lượng khoảng 20 vạn cây, cây đang ở giai đoạn 3 - 4 lá, ươm trong vườn ươm có che lưới đen. Giống cà phê trong vườn ươm là giống SJ133 (đây là giống cây cà phê Arabica chủ đạo đã được trồng tại Lào từ trước đến nay).
Các kinh nghiệm hay từ mô hình liên kết và hoạt động xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica để áp dụng vào thực tế sản xuất cà phê tại Quảng Trị
Từ những phát hiện và kết quả ghi nhận trong chuyến tham quan, học tập, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng mô hình canh tác cà phê nông lâm kết hợp, hữu cơ rất hữu ích. Đặc biệt là Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê được thực hiện giữa 03 bên tham gia, bao gồm: Công ty Slow Forest Plateau Lào, HTX cà phê sinh thái Slow, thành viên HTX. Để tổ chức thực hiện liên kết một cách hiệu quả và bền vững, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Công ty Slow Forest Plateau Lào đã cho các thành viên HTX ứng trước 40% kinh phí (tính theo sản lượng dự kiến trong năm) để nông dân mua phân bón, công chăm sóc…. Công ty thành lập nhóm hỗ trợ hợp tác xã gồm: Hướng dẫn kỹ thuật, thu thập dữ liệu vườn, giám sát hoạt động chăm sóc, thu hái và quản lý chất lượng cà phê (đặc biệt là hướng dẫn việc canh tác cà phê theo hình thức nông lâm kết hợp, đáp ứng tiêu chí để được cấp Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu để nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu); Cử cán bộ của công ty Slow tham gia vào hoạt động quản lý, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX cà phê sinh thái Slow để đảm bảo vận hành liên kết chuỗi được bền vững; Công ty thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm, do vậy HTX và các thành viên HTX tham gia liên kết có niềm tin vào sự cam kết của công ty đối với hợp đồng liên kết.
Sau chuyến đi tham quan, trao đổi học tập này, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức tuyên truyền cho các nông hộ/thành viên trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị về những lợi ích của phương pháp canh tác cà phê nông lâm kết hợp theo các tiêu chuẩn hữu cơ. Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cà phê theo nông lâm kết hợp trên địa bàn xã Hướng Phùng trong năm 2024. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình kỹ thuật canh tác cà phê Arabica nông lâm kết hợp; Thúc đẩy, hoàn thiện và thống nhất hợp đồng liên kết giữa HTX nông sản Khe Sanh, HTX Sơn Nguyên với Công ty TNHH Slow Việt Nam; đàm phán thống nhất giá thu mua cà phê quả tươi giữa Công ty TNHH Slow Việt Nam với các Hợp tác xã, Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa; Xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa, UBND các xã hỗ trợ và củng cố nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX có kinh doanh ngành hàng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa để đảm bảo năng lực liên kết sản xuất với đơn vị tiêu thụ./.
Lê Huyền, Sở Công Thương Quảng Trị
- Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh” để góp phần phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh (26/06/2024)
- Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (07/06/2024)
- Ngành Công Thương với công tác nâng cao chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” góp phần cải thiện chỉ số PCI tỉnh Quảng Trị (07/06/2024)
- Tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển ngành Công Thương năm 2024 (07/06/2024)
- Giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính của Sở Công Thương Quảng Trị (07/06/2024)
- Thanh niên Sở Công Thương Quảng Trị phát huy vai trò, tích cực đồng hành cùng thanh niên Quảng Trị khởi nghiệp, lập nghiệp và tháo gỡ khó khăn để phát triển. (07/06/2024)
- Ngành Công Thương Quảng Trị: Đẩy mạnh chuyển đổi số, chung tay cải cách thủ tục hành chính. (27/06/2024)
- Ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng (15/05/2024)
- Tổ chức sự kiện “Chào mừng sinh nhật 35 năm Saigon Co.op” (15/05/2024)
- Công ty Điện lực Quảng Trị phát động thi đua Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024 (23/04/2024)
-
Nguyễn Văn Trình
0913 474 705
nguyenvantrinh@quangtri.gov.vn
-
Nguyễn Thị Thu Hiền
0919 060 883
nguyenthithuhien@quangtri.gov.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: 313 Hùng Vương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 0233.3852514; 0233.3852265 - Fax: 0233.3852265 - Email: soct@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
Ghi rõ nguồn http://socongthuong.quangtri.gov.vn khi sử dụng thông tin từ website này