Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 193

Tổng lượt truy cập: 1.569.695

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Trong những năm qua, công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thông qua đó, hoạt động bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng đã đạt được những kết quả nhất định. Từng bước đưa pháp luật bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính. Góp phần cân bằng mối quan hệ giữa Người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định. Đối với tỉnh Quảng Trị, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo,  hướng dẫn để thực hiện.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm thực hiện, ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền và nghĩa vụ của mình. Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền chung, đã có những hoạt động hướng đến các đối tượng cụ thể. Công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung từng bước được thực hiện hiệu quả; là căn cứ quyết định trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giảm thiểu các tranh chấp phát sinh.

Công tác bảo vệ người tiêu dùng đã từng bước cụ thể hóa vào các nội dung quản lý chuyên ngành của Sở Công Thương như: quản lý an toàn thực phẩm; quản lý an toàn điện và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; các hoạt động chống đầu cơ, tăng giá... góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, lòng tin của người tiêu dùng được nâng lên.

Các tổ chức xã hội mà cụ thể là Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã hoạt động tích cực, tham gia có hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền đối với tuyến huyện, dần khẳng định vai trò cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/05/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2306/QĐ-BCT ngày 13/10/2021 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; Sở Công Thương Quảng Trị đã kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hàng năm. Trên cơ sở đó, hàng năm đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, hình thành phong trào hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam vào ngày 15/3 hàng năm. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã tham mưu tăng cường triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, tham gia ý kiến vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các chỉ đạo của các bộ, ngành như trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa; Ban hành nhiều Kế hoạch, phương án chỉ đạo các cơ quan, hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ tăng cường công tác khai thác dự trữ hàng hóa với loại hình phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý với nhu cầu tiêu dùng, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt lưu ý quan tâm đến nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong các dịp lễ tết, phòng chống thiên tai bão lũ, dịch bệnh… Do vậy, trong những năm qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn ổn định và phát triển đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng có những khó khăn, vướng mắc như: Luật bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng được ban hành từ năm 2010, đến nay một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trước bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số… do vậy khi phát sinh các vướng mắc các cơ quan quản lý rất lúng túng vì thiếu căn cứ pháp lý. Trách nhiệm về bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ, mới chỉ quy định trách nhiệm của Ủy ban Cạnh tranh - Bộ Công Thương và Uỷ ban nhân dân các cấp (thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tại địa phương), chưa quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Do vậy, nhiều cơ quan đơn vị chưa thực sự quan tâm đến trách nhiệm thuộc lĩnh vực hoặc ngành mình phụ trách mà còn hiểu rằng nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng là trách nhiệm của ngành Công Thương. Hội bảo vệ Người tiêu dùng đã được thành lập nhưng chưa có cơ chế hoặc chính sách cụ thể và phù hợp để Hội hoạt động và phát huy vai trò của Hội, cũng chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, chưa phát huy hết vai trò trong công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức còn hạn chế. Hoạt động Hội còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước; chưa thành lập được các chi hội, chưa tổ chức được những hoạt động mang tính đặc thù của Hội để thu hút được sự quan tâm, tham gia, hợp tác của đông đảo tầng lớp nhân dân. Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa rõ ràng. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thuận lợi, bền vững cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, thiết nghĩ, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đó là:

Thứ nhất: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Trong đó, cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp trong triển khai các hoạt động bảo vệ Người tiêu dùng giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan, tổ chức trong ngành, lĩnh vực. Quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Thứ hai: Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn có liên quan tới các tổ chức, cá nhân, Người tiêu dùng. Trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu, nội dung, thông điệp tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng một cách đồng bộ, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm để Người tiêu dùng nắm vững quyền của mình trong quan hệ mua bán giao dịch, thụ hưởng dịch vụ trên thị trường.  

Thứ ba: Các Bộ, ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ thẩm định, kiểm soát hợp đồng mẫu cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho các địa phương về nghiệp vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn thành lập tổ chức hòa giải, Quyết định công nhận tổ chức hòa giải, hòa giải viên để các hội có thẩm quyền và điều kiện hoạt động tốt hơn.

Thứ tư: Cần đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng. Đề cao trách nhiệm của mình trong quá trình giải quyết khiếu nại, yêu cầu tranh chấp một cách thoả đáng. Các doanh nghiệp không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đầu tư cho việc đăng ký sở hữu trí tuệ, tem nhãn hàng hoá…

 Thứ năm: Thực hiện việc giám sát và đánh giá công tác bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tại địa phương. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách, xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tại địa phương.

 Thứ sáu: Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng chủ động xây dựng và đề xuất các hoạt động hợp tác trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết khiếu nại, yêu cầu tranh chấp của người tiêu dùng.

 Thứ bảy: Các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đặt biệt là đối với các lĩnh vực vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động bán hàng đa cấp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khuyến mãi,…

  Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng không là trách nhiệm của riêng ai, mà cần có sự chung tay góp sức, đồng hành của toàn xã hội. Nếu thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trên, trong thời gian tới các hoạt động vì quyền lợi của Người tiêu dùng sẽ thực sự phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị./.

Minh Nguyệt - Chuyên viên Phòng QLTM, Sở Công Thương 

Bài viết liên quan