Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 15

Hôm nay: 224

Tổng lượt truy cập: 1.569.726

Tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển ngành Công Thương năm 2024

Lãnh đạo tỉnh đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ - Ảnh: Lê An

Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường; đặc biệt cuộc xung đột Nga-Ukraine, xung đột tại Israel – Hamas tại dải Gaza còn phức tạp, kéo dài, khiến giá cả, lạm phát còn ở mức cao, các nước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, rủi ro tài khóa … thời tiết khắc nghiệt ngày càng ảnh hưởng sâu sắc... đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của ngành Công Thương đứng trước nhiều thách thức lớn. Song với sự quyết tâm cao, ngành Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn nên trong 3 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực và có nhiều điểm sáng.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,56%, chưa đạt như kỳ vọng mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có chuyển biến tích cực, các ngành công nghiệp có lợi thế như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến tiếp tục quan tâm phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 8.127,05 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng chung của cả nước (8,0%). Tổng kim ngạch hai chiều qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh đạt 167,2 triệu USD (cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt 116,8 triệu USD, cửa khẩu quốc tế La Lay đạt 50,4 triệu USD), tăng 37,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Xuất khẩu đạt 47,2 triệu USD, tăng 78,9%, nhập khẩu đạt 120 triệu USD, tăng 25,57% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2024 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ngành công nghiệp tăng trưởng thấp; Tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và đơn hàng tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài nước trong những tháng đầu năm. Đa phần các doanh nghiệp công nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, việc đầu tư, năng lực cạnh tranh thấp. Tình hình triển khai xây dựng một số dự án (Các dự án điện gió, thuỷ điện, dệt may, đầu tư cơ sở hạ tầng KCN, CCN…) còn gặp khó khăn, chậm tiến độ do còn vướng các cơ chế, chính sách, lãi suất tín dụng...

Theo dự báo, trong 9 tháng cuối năm 2024 tình hình kinh tế thế giới, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen; các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu tiếp tục đạt mức tăng thấp do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, sức ép lạm phát còn lớn trong nửa cuối năm 2024 sẽ tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế chung của cả nước.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của 2024 được UBND tỉnh giao, cụ thể như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 10%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt trên 34.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 360 triệu USD... và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới; ngành Công Thương Quảng Trị đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để hệ thống chính trị, người dân hiểu được bối cảnh, tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới tác động rất nhanh đến kinh tế trong nước để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Bên cạnh đó, cần tham mưu đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh làm cơ sở quan trọng trong việc triển khai các dự án lớn của ngành trên địa bàn.

Hai là, tham mưu triển khai thực hiện và đề xuất Tỉnh ủy điều chỉnh, bổ sung Chương trình hành động số 15-CTHĐ/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tham mưu UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy đối việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị sau khi điều chỉnh. Triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch phát triển năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn.

Ba là, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư các dự án điện gió, thủy điện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hồ sơ pháp lý cho các nhà đầu tư điện gió trong việc đàm phán giá điện chuyển tiếp với EVN. Hỗ trợ các ngành, đơn vị liên quan, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư dự án Trạm biến áp 500kV Quảng Trị và đường dây đấu nối Quảng Trị - rẽ Vũng Áng - Đà Nẵng. Thực hiện hiệu quả Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh năm 2024. Đẩy mạnh hoạt động khuyến công, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.

Bốn là, tích cực nắm bắt, rà soát và đề xuất triển khai các biện pháp tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn của ngành, tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực Công Thương. Nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách địa phương hoặc tiếp tục đề xuất với trung ương để ban hành những cơ chế chính sách tầm quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư dân doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án động lực tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị và các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục thu hút các dự án phù hợp, đúng quy hoạch vào Khu công nghiệp Quán Ngang; tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai dự án Khu công nghiệp Quảng Trị.

Năm là, tiếp tục phối hợp triển khai các dự án: băng tải dự án than, điện gió Ami Savannakhet, trung tâm logistics, kho bãi, cảng cạn, chợ, nâng cấp và mở các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn (như Cửa khẩu phụ Cóc, Tà Rùng, A Ròng...),  cũng như hoàn thiện Đề án Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan, Đề án Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu Quốc tế La Lay, xây dựng Đề án "Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) – Salavan (Lào) – Ubon Ratchathani (Thái Lan)", Đề án cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và mô hình hoạt động chính thức tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavan. Mời doanh nghiệp các tỉnh Savannakhet, Salavan tham dự Hội chợ nhịp cầu xuyên Á vào tháng 5/2024.

Chủ trì triển khai hoạt động thương mại điện tử năm 2024 để hỗ trợ đưa sản phẩm  nông  sản đặc trưng của tỉnh vào sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, hệ thống siêu  thị, chuỗi  cửa  hàng bán lẻ hiện đại, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm trong năm 2024; Hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 để hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản đặc trưng của  tỉnh vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Đồng thời quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực xuất khẩu để khai thác mở rộng và tận dụng thị trường cho các hàng hóa của địa phương; từng bước tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường xuất khẩu gắn với việc đẩy mạnh khai thác các FTA đã ký, tạo động lực phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp phát triển. Tăng cường hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những cam kết ưu dãi và kết quả hoạt động đối ngoại của tỉnh để mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế; phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất lao động của toàn ngành Công Thương.

Những kết quả trên các lĩnh vực trong 3 tháng đầu năm 2024 đã khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, sự n lực của ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, trong phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Công Thương và góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong 9 tháng cuối năm 2024 nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hoàn thành tốt hơn và đạt kết quả cao trong nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương và tạo bước đột phá mới của tỉnh trong thời gian tới.

Nguyễn Trường Khoa - TUV, Giám đốc Sở Công Thương

Bài viết liên quan