Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 15

Hôm nay: 217

Tổng lượt truy cập: 1.569.719

Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh” để góp phần phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh

Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh”

Thời gian qua, cây cà phê được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngày 24/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê giai đoạn từ 2017-2020, tính đến 2025”. Hiện cà phê được trồng tập trung ở huyện Hướng Hóa với giống chủ lực là cà phê chè Catimor.

Danh tiếng cà phê Khe Sanh

Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhiều chính sách, dành nguồn lực để hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh, hỗ trợ người trồng cà phê ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch. Quảng Trị từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm cà phê chè với tổng diện tích hiện có khoảng 5.000 ha, diện tích cho thu hoạch trên 4.500 ha tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Lộc, Tân Hợp, Húc và thị trấn Khe Sanh.

Nhờ tiềm năng đất đỏ bazan màu mỡ, độ cao, khí hậu thích hợp đã tạo nên cây cà phê Arabica phát triển vượt trội, tích lũy nhiều tinh dầu và hương thơm, tạo nên mùi vị đặc trưng không thể trộn lẫn. Tại cuộc thi cà phê đặc sản tại các vùng năm 2024 cho thấy cà phê Khe Sanh có các chuỗi hương vị đa dạng, nhiều loại  hương hoa gồm vị cay (bạc hà, gừng, hạt rau mùi, quế); trái cây nhiệt đới (mít, ổi, chuối, xoài, chanh dây, dứa); cây có múi (cam, chanh), mơ mận; quả mọng (mâm xôi, mâm xôi đen); socola, hoa cỏ ngọt và rượu vang.

Hàm lượng đường trong cà phê nhân từ 7,17 - 8,69%, trong quá trình rang hầu như toàn bộ lượng đường hữu cơ đều tham gia vào quá trình caramen hoá thông qua xử nhiệt để tạo màu nâu cho hạt cà phê và mùi vị phong phú cho cà phê Khe Sanh, trong đó đáng chú ý là tạo ra vị cay (bạc hà, gừng, hạt rau mùi, quế) mà cà phê Arabica một số nơi khác ở Việt Nam không có. Cà phê Khe sanh có hàm lượng chất tan trong nước khá cao từ 30,61-35,08%, hương vị cà phê để lại khá lâu trong môi trường xung quanh cốc cà phê.

Trước đây, có một giai đoạn, cà phê Khe Sanh không được đánh giá cao về chất lượng do một số bà con thường thu hoạch quả xanh, trộn tạp chất và ngâm nước để nhằm tăng trọng lượng khi bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ tập trung đầu tư cà phê chất lượng cao nên cà phê Khe Sanh rất dễ bán, giá cao, dần dần khẳng định thương hiệu cà phê chất lượng thơm ngon của Việt Nam, vươn ra thế giới. Thông qua ngôi vị quán quân cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” năm 2021 của Hiệp hội cà phê Buôn mê Thuột Đắk Lắk tổ chức. Năm 2022, cà phê Khe Sanh được giải Bạc cuộc thi ‘Coffees Roasted at the Origin” dành cho dành cho những nhà sản xuất và chế biến nhỏ trên thế giới do Tổ chức phi chính phủ AVPA (The Agency for the Valorization of Agricultural Products) tổ chức tại Paris, Pháp. Trên đà, năm 2023, 2024 cà phê Arabica Khe Sanh tiếp tục được xướng tên với ngôi vị quán quân tại cuộc thi “cà phê đặc sản Việt Nam”.

Phát triển cà phê đặc sản

Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm đến 100 điểm theo tiêu chuẩn, quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI).

Trong dòng chảy cà phê đặc sản (Specialty Coffee), cà phê Arabica chiếm ưu thế trong lĩnh vực cà phê Specialty do những đặc điểm tự nhiên về hương vị đặc biệt đa dạng, với đủ các sắc thái của nhiều loại hoa quả, trái cây khác nhau và điều kiện canh tác thuận lợi. Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil, tuy nhiên cà phê Arabica chỉ chiếm sản lượng khá khiêm tốn là 5%.

Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản gồm Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích gần 19.000 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; giai đoạn 2026 – 2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam. Tại Quảng Trị, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được chọn điểm để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị.

Để đạt được mục tiêu phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNN yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất và đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cà phê đặc sản (từ người sản xuất, chế biến, thử nếm, chọn tạo cây giống…). Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản. Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản; xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản…

Cà phê đặc sản của HTX Nông sản Khe Sanh 

Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh”

Từ những lợi thế của cà phê vùng Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Đồng thời, giúp người sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng khả năng nhận diện danh tiếng sản phẩm.

Cà phê vùng Hướng Hoá có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện sinh thái của khu vực sản xuất, đó chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê vùng Hướng Hoá. Trong tháng 6/2024, UBND huyện Hướng Hóa đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tổ chức hội thảo khoa học Cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh” và hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý. Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cà phê Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê của tỉnh Quảng Trị bao gồm: xác định đặc thù về tính chất, chất lượng của sản phẩm cà phê Khe Sanh; xác định các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng cà phê Khe Sanh; xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê đã lựa chọn.

Thông qua Hội thảo, đã xác định được lịch sử của vùng trồng cà phê Khe Sanh với bề dày gần 100 năm, danh tiếng của cà phê Khe Sanh liên tục từ 2020 đến nay đều đứng trong top đầu của các đợt thi cà phê đặc sản Việt Nam và top 5 cà phê đặc sản thế giới năm 2022; Xác định được đặc thù điều kiện tự nhiên, đặc thù về chất lượng sản phẩm cà phê Khe Sanh và liên quan đến mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên vùng trồng cà phê và một số đặc điểm về hình thái, cảm quan và chất lượng hoá sinh sản phẩm cà phê. Nghiên cứu được phong tục, tập quán canh tác theo kiến thức của người dân tại vùng trồng cà phê quyết định đến tính đặc thù của sản phẩm cà phê; Xác định được vùng địa danh bảo hộ chỉ dẫn địa lý Khe Sanh và xây dựng bản đồ vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý cho cà phê Khe Sanh (tỉ lệ 1/10.000). Diện tích đất đề xuất thích hợp cho cây cà phê Khe Sanh và đề nghị bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 4.600 ha trên khu vực 12 xã thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Những nội dung này chính là những căn cứ quan trọng giúp địa phương có cơ sở khoa học đề nghị các cơ quan chức năng cho phép bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” đối với sản phẩm cà phê Khe Sanh trên khu vực 12 xã thuộc huyện Hướng Hóa trong thời gian tới.

Mối liên kết “4 nhà”

Cà phê Khe Sanh đã được biết đến ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, các sản phẩm cà phê chất lượng cao, tiêu biểu như: bộ Giftset Hương Trường Sơn, Nắng - cà phê bột pha phin, trà vỏ cà phê Arabica Khe Sanh của Công ty TNHH Pun Coffee xã Hướng Phùng; Khe Sanh coffee rang xay của HTX Nông sản Khe Sanh; Cafe Special pha máy rang xay, dạng bột pha phin rang xay của HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây. Tuy vậy, để sản phẩm cà phê mang thương hiệu Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cà phê thế giới, cần có sự liên kết một cách chặt chẽ và có trách nhiệm hơn giữa các nhà (khoa học, nông dân, Nhà nước, doanh nghiệp). Trong đó doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hỗ trợ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sạch, theo hướng hữu cơ, bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản. Khuyến khích các DN xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản phục vụ thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước cần có nhiều chính sách hữu hiệu hơn nữa để khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản. Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao, đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản. Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phâm và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Khe Sanh và tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đới với sản phẩm cà phê “Khe Sanh” khi được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp.

Sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự nỗ lực từ các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, các Hợp tác xã và người dân trồng cà phê thì việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm cà phê “Khe Sanh” thành công cũng như để cây cà phê Arabica Khe Sanh mang lại giá trị cao hơn trong thời gian đến sẽ sớm thành hiện thực./. 

Lê Huyền, Sở Công Thương Quảng Trị

Bài viết liên quan