Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 892

Tổng lượt truy cập: 1.535.003

Cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Sản xuất bao bì tại Cụm Công nghiệp Diên Sanh

Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp (CCN) nhằm di dời, sắp xếp, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình sản xuất nhỏ và vừa vào sản xuất tập trung góp phần chỉnh trang đô thị - khu dân cư và xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn “ly nông bất ly hương”. 

Việc thành lập và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn các địa phương. Chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các CCN đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, khẳng định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng (KCHT) đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Luật Đầu tư năm 2014, có bổ sung điều chỉnh quy định về CCN; Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về Quy chế quản lý CCN…

Về phía địa phương, ngay từ rất sớm HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12b/2004/NQ-HĐ về việc thông qua cơ chế chính sách phát triển công nghiệp - TTCN và ngành nghề nông thôn; UBND tỉnh ban hành Quy chế tạm thời quản lý cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 51/2006/QĐ-UBND), Chính sách hỗ trợ xây dựng KCHT các CCN (Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND), Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh (Quyết định 27/2011/QĐ-UBND)…

Việc quan tâm triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách; công tác phối hợp quản lý hoạt động các CCN dần đi vào nền nếp; một số huyện, thị xã, thành phố đã từng bước hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý các CCN tại địa phương; công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư CCN được quan tâm thực hiện… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển 17 CCN với tổng diện tích trên 500 ha với tổng kinh phí đã bố trí đầu KCHT khoảng 110 tỷ đồng. Đã thu hút được trên 100 dự án đầu tư vào 14 CCN trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện đầu tư xây dựng trên 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, có 60 dự án đã đi vào hoạt động, giá trị SXCN đạt 590 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 160 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động, nộp ngân sách trên 30 tỷ đồng hàng năm.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển, hoạt động của CCN thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là: CCN chủ yếu nằm ở địa bàn nông thôn, vị trí không thuận lợi, hạ tầng cơ sở xung quanh yếu kém; khó thu hút các doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng vì các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất trong CCN chủ yếu là các doanh nghiệp, cơ sở,  hộ cá thể sản xuất nhỏ, siêu nhỏ có năng lực tài chính yếu, khó khả năng chi trả tiền thuê đất, hạ tầng (CCN Hướng Tân, Đông Gio Linh). Việc huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng CCN gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện) còn hạn hẹp, việc bố trí vốn chưa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách phát triển CCN hiện tại chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển CCN; Công tác triển khai xây dựng KCHT CCN còn chậm, thời gian kéo dài, nguyên nhân là do thiếu vốn đầu tư xây dựng KCHT (mới bố trí khoảng 15% so với tổng nhu cầu).

Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ của các CCN đang hoạt động ngày càng xuống cấp (như CCN Đông Lễ, Diên Sanh), trong khi đó kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư KCHT CCN lại không có, do chưa quy định về việc thu tiền sử dụng hạ tầng CCN, gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các dự án đầu tư tại các CCN trên địa bàn tỉnh sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng triển khai chậm, nguyên nhân chủ yếu do thiếu quỹ đất sạch để triển khai. Một số dự án thiếu khả năng tài chính đảm bảo đầu tư, nhận diện dự án chưa sát với tình hình thực tế (tiềm năng về tài nguyên, lợi thế so sánh và con người…) nên ảnh hưởng đến tiến độ. Các tổ chức quản lý CCN (Ban quản lý, Trung tâm, Doanh nghiệp) hoạt động chủ yếu kiêm nhiệm, thiếu và yếu về nhân lực nên công tác hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục đầu tư vào cụm còn nhiều hạn chế

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách từ Trung ương đã áp dụng và đang nghiên cứu ban hành, về phía địa phương, trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển CCN để phát huy vai trò, vị trí của CCN đối với phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Cụ thể:

Thứ nhất, Chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp – làng nghề. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm “phân bổ nguồn lực hợp lý giữa phát triển công nghiệp với phát triển đô thị”“chi đầu tư tăng nhanh hơn chi thường xuyên” nhằm tạo ra nguồn thu ngân sách (hàng năm, thu từ sản xuất công nghiệp đạt tỷ trọng trên 75% nguồn thu nội địa tỉnh) và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Thứ hai, Nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, cân đối ngân sách tỉnh để bố trí hàng năm khoảng 10 tỷ đồng cho 3 - 5 CCN theo quy định tại Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 cùng với nguồn vốn đối ứng của các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn vốn khác để đầu tư các hạng mục thiết yếu nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, tạo động lực phát triển công nghiệp, TTCN giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra và Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua.

Thứ ba, Nâng cao chất lượng hoạt động các cụm công nghiệp; nghiên cứu cải cách, điều chỉnh công tác phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN (để phù hợp với Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường...) sau khi Nghị định về quản lý, phát triển CCN thay thế Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ra đời. Thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng KCHT và hoạt động của các CCN trên địa bàn để tập trung đầu tư những CCN hoạt động hiệu quả.

Thứ tư, Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số PCI; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép đầu tư, cấp đất, phát triển sản xuất kinh doanh trong CCN; quan tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý CCN và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong thời gian đến.

Thứ năm, Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn hình thành, phát triển các CCN, điểm công nghiệp – làng nghề theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2025 nhằm tạo quỹ đất, thu hút và di dời các dự án đầu tư; Tranh thủ nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết các CCN, điểm công nghiệp – làng nghề.

Thứ sáu, Tổ chức thực hiện tốt, nghiêm túc, đúng quy định về quản lý CCN; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng và hoạt động của các CCN, xử lý các CCN không hiệu quả, sử dụng lãng phí đất đai theo đúng Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, Tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút, bố trí tiếp nhận các dự án đầu tư sản xuất vào CCN; kiên quyết không thu hồi thêm diện tích đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ngoài các khu vực đã quy hoạch quỹ đất sản xuất tập trung./.

Tác giả bài viết: Phòng quản lý công nghiệp – Sở Công Thương Quảng Trị

Bài viết liên quan