Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 600

Tổng lượt truy cập: 1.525.085

Ngành công thương Quảng Trị: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những giải pháp then chốt tạo nên thành công trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển ngành công thương nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Đặc biệt, kể từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU thì công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Sở Công thương Quảng Trị đã có những định hướng cụ thể, các nhiệm vụ từng bước được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và sâu rộng hơn.

 Là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính (Par Inder) và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Những năm trở lại đây, các chỉ số xếp loại của Sở Công Thương luôn nằm trong top đầu của Bảng xếp hạng các Sở, ban ngành cấp tỉnh, Riêng năm 2015, Sở là đơn vị dẫn đầu về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND tỉnh giao (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt 331/350 điểm) và công bố chỉ số cải cách hành chính (được đánh giá xếp loại tốt, đạt 85/100 điểm). Phát huy những kết quả đạt được, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Công thương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, hướng đến xây dựng thành công một nền hành chính minh bạch và phục vụ. Cụ thể:
      * Công tác cải cách hành chính
      Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng cải cách hành chính là tăng cường đẩy mạnh cải cách thể chế. Trong thời gian qua, việc tham mưu xây dựng và hoàn thiện Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực ngành quản lý được thực hiện kịp thời, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Trong năm 2016, Sở Công thương Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Chỉ thị về bảo đảm an toàn công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trên địa bàn tỉnh. Trình thẩm định Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và Quy chế phối hợp về quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở tích cực rà soát, hệ thống hóa và đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật của ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thường xuyên có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của ngành nói chung và các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính nói riêng.
       Bên cạnh nhiệm vụ cải cách thể chế, Sở đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính; Tổ chức rà soát, đánh giá các quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và các quy định thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc lĩnh vực công thương. Kết quả, trong năm 2016, Sở tham mưu UBND tỉnh công bố 42 thủ tục hành chính mới, 06 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung và 04 thủ tục hành chính bãi bỏ hoặc hủy bỏ; Công bố 02 thủ tục hành chính mới, 02 thủ tục hành chính bãi bỏ hoặc hủy bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã. Tổ chức đánh giá tác động các quy định, thủ tục hành chính trên lĩnh vực xúc tiến thương mại, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, bán hàng đa cấp, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời đánh giá tính hợp lý, hợp pháp và đề xuất phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian giải quyết, hạn chế các quy định, giấy tờ, biểu mẫu không cần thiết, giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
        Việc đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng là nhiệm vụ luôn được Cấp ủy, lãnh đạo Sở quan tâm và chỉ đạo sâu sát, Tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm, hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm để làm cơ sở xác định biên chế, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý gắn với lộ trình triển khai Đề án tinh giản biên chế của Sở giai đoạn năm 2015 - 2021.
      Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của Sở trong năm tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước nâng cấp hệ thống mạng, máy tính, tích cực sử dụng và cập nhật kết quả công tác trên phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh; Chủ động thực hiện thí điểm phần mềm một cửa điện tử và phần mềm báo cáo kết quả thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
       Thực hiện duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học & Công nghệ; Đến nay, hầu hết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đều được quy trình hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, cũng như giải quyết thủ tục hành chính; 100% tài liệu về quy trình ISO của Sở được cập nhật và công bố trên Cổng giao tiếp thông tin ISO của tỉnh.
Bộ phận Tiếp nhận & Trả kết quả theo cơ chế “một cửa” của Sở tiếp tục được tăng cường, triển khai thực hiện rà soát thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Hiện nay, Sở có 92 thủ tục hành chính, trong đó đã đề xuất thẩm định 19 thủ tục/nhóm thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở theo cơ chế một cửa liên thông. Kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục, không để xảy ra các trường hợp vi phạm gây phiền hà đến cá nhân, tổ chức; Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính, khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của Sở được chú trọng, đề xuất các giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức, công dân đến thực hiện thủ tục hành chính. Từ đầu năm 2016 đến thời điểm hiện nay, Bộ phận “một cửa” đã thụ lý 207 hồ sơ; trong đó số lượng hồ sơ đã giải quyết hoàn thành và đúng thời hạn 197 hồ sơ; đang giải quyết trong thời hạn 10 hồ sơ.
       * Công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Một trong những bước  đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chính là tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp luôn được Sở quan tâm và tiếp tục triển khai thực hiện. Hoạt động khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp đã có những tác động tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp và nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thông qua chương trình hỗ trợ các đề án khuyến công của tỉnh và quốc gia; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thông tin liên quan đến cam kết thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ trong hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, nâng cấp wedsite thương mại điện tử; Nâng cấp website song ngữ Việt –Anh và cập nhật tin bài, hình ảnh lên Wedsite (IETP.quangtri.gov.vn). Hướng dẫn doanh nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
      Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thì hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm của ngành và các dự án tại Khu kinh tế Đông Nam được quan tâm thực hiện; Đặc biệt, trực tiếp hỗ trợ Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) thực hiện thủ tục đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1; Hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1; Đến nay, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) hoàn thành và trình Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án. Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh công suất, công nghệ dự án Nhà máy theo công nghệ mới.
         Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được bố trí chung với Văn phòng Sở, cán bộ làm công tác cải cách hành chính cũng là cán bộ đầu mối kiêm nhiệm kiểm soát thủ tục hành chính nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Để công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh được cả thiện cần mạnh dạn áp dụng một số giải pháp trọng tâm như sau:
          Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát và đề xuất HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tạo điều kiện để đơn vị vận hành thông suốt, linh hoạt; tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển ngành; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ trong môi trường cạnh tranh, bình đẳng, lành mạnh.
         Thứ hai, đổi mới công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành. Bên cạnh việc hoàn thiện việc chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính và công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Chủ trọng thực hiện đơn giản hóa thành phần, số lượng hồ sơ, quy trình thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực gắn liền trực tiếp tổ chức, doanh nghiệp.
         Thứ ba, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Sở; điều chỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các phòng, đơn vị trực thuộc phù hợp với quy định mới; Hoàn thiện và triển khai Đề án vị trí việc làm, bản mô tả công việc của từng vị trí để làm cơ sở xác định biên chế, số người làm việc, cơ cấu công chức, viên chức khoa học, hợp lý gắn với tinh giản biên chế theo quy định. Thực hiện nghiêm túc việc sử dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, luân chuyển cán bộ, công chức đúng vị trí việc làm, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh công chức; nâng cao trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức.
         Thứ tư, đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu qủa cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông hiện đại theo quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ; đưa 100% thủ tục hành chính đã được công bố thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nhằm giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật cho tổ chức, công dân đến giao dịch; mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông điện tử trên các lĩnh vực liên quan đến các ngành.
         Cuối cùng, thực hiện khảo sát, công bố mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở; Triển khai áp dụng có hiệu quả phẩn mềm một cửa điện tử tại Sở và đơn vị trực thuộc; Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia ISO 9001:2008 (hoặc tiêu chuẩn tương đương khi có thay đổi).

 

Nguồn tin: VP Sở Công Thương

Bài viết liên quan