Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 592

Tổng lượt truy cập: 1.525.077

Ngành Công Thương Quảng Trị: Nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất công nghiệp, thương mại sau Đại dịch Covid-19

Ngành Công Thương Quảng Trị: Nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất công nghiệp, thương mại sau Đại dịch Covid-19

Sáu tháng đầu năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, ngành Công Thương Quảng Trị đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, Kết luận số 320-KL/TU ngày 04/12/2019 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 31/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT- XH năm 2020; Thực hiện quyết liệt các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên trong bối cảnh phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5,64% so với năm 2019, thấp hơn mức tăng 8,78% của cùng kỳ năm 2019 và đạt mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chỉ đạt mức tăng (+4,84%); Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng tốc độ tăng chung của ngành: Bia lon; ván ép; gỗ cưa, gỗ xẻ; nước tăng lực; phân hóa học. Bên cạnh đó, một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với năm trước, như: Quặng inmenit; tấm lợp phipro xi măng; quặng zircon; dăm gỗ; quần áo may sẵn; xi măng; điện sản xuất; điện thương phẩm.

Những tháng đầu năm 2020, hoạt động thương mại, dịch vụ gặp khó khăn bởi dịch bệnh và biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải tạm dừng. Bước sang tháng 6/2020, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng đang trên đà khôi phục, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng mạnh. Cộng dồn sáu tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 14.883 tỷ đồng, giảm nhẹ (-0,47%) so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 44,4% so với kế hoạch năm 2019 (là 33.000 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.119,7 tỷ đồng, chiếm 88,1% tổng mức và tăng 2,22%. Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp ổn định thị trường, không để xảy ra hiện tượng biến động về giá. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 6 năm 2020, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương được chú trọng, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động. Chủ động bám sát chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công Thương giao để triển khai kịp thời, hiệu quả. Tích cực tham mưu xây dựng và triển khai các nội dung cam kết giữa Tập thể lãnh đạo và người đứng đầu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình công tác trọng tâm năm 2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu của Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020.

Công tác tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển của ngành được tích cực quan tâm thực hiện: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 09/2014/NQ-HĐND ngày 25/7/2014 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến công; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2020 – 2025.

Xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá quan trọng, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp các ngành trong xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án; trọng tâm là các dự án năng lượng chào mừng 30 năm lập lại tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, nhà máy điện khí Gazprom; Tiếp tục tham mưu đề xuất các dự án năng lượng vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Phối hợp với  Ban QLDA Lưới điện miền Trung làm việc với chủ đầu tư các dự án thống nhất phương án cắt điện nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án Nâng tiết diện đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo; đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án TBA 220kV Lao Bảo và Đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo.

Từ hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, đã hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát triển thương hiệu giao thương, kết nối, mở rộng sản xuất kinh doanh doanh nghiệp; Hoàn thành bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần thứ 5.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục được quan tâm và đã có nhiều sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước do Bộ Công Thương tổ chức. Đảm bảo việc dự trữ hàng hoá và bán hàng bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cả trong dịp lễ tết, phòng chống dịch covid -19.

 Nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, ngành Công Thương đã phối hợp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; sáu tháng cuối năm 2020, bối cảnh kinh tế trong nước dự báo có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra; Ngành Công thương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp sau:

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa; nhất là những mặt hàng có lợi thế của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu, xúc tiến thương mại năm 2020 đối với Đề án “Phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh đến năm 2020“; Đề án “Phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2017- 2020”; Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ, giai đoạn 2018-2020.

Tham mưu triển khai Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 09/2014/NQ-HĐND ngày 25/7/2014 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến công; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 sau khi được HĐND tỉnh thông qua. Tiếp tục thực hiện chương trình khuyến công tỉnh và quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Tham mưu xây dựng hoàn chỉnh và triển khai Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 55-NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030. Tiếp tục hỗ trợ các dự án đang triển khai, nhất là các dự án khởi công nhân dịp 30 năm lập lại tỉnh đảm bảo tiến độ đề ra. Hỗ trợ triển khai xây dựng Dự án TBA và đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo, xây dựng Dự án Cải tạo đường dây 110kV Đông Hà – Lao Bảo hoàn thành trong năm 2020, đáp ứng yêu cầu truyền tải cho các dự án năng lượng phía Tây của tỉnh đã được quy hoạch.

Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai đầu tư  và sớm đưa vào hoạt động các tổng kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistic, các tổng kho hàng hóa trên tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây; Tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào. Triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển.

Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu theo qua công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Kế hoạch 1116/KH-UBND ngày 21/3/2019 của UBND tỉnh về phát triển thương mại biên giới tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; Đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử; Chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng, nhận diện thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là hàng nông sản. Khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mại; chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham mưu xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.

Những kết quả trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2020 đã khẳng định sự nỗ lực của tỉnh, của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất công nghiệp, thương mại sau Đại dịch Covid-19 và đó cũng chính là tiền đề để 6 tháng cuối năm 2020 tiếp tục với nhiều giải pháp thiết thực để phát triển, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn thành tốt hơn và đạt kết quả cao trong nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương tạo bước đột phá mới của tỉnh trong thời gian tới./.

 

Tác giả bài viết: Lê Quang Vĩnh -Giám đốc Sở Công Thương

Bài viết liên quan