Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 13

Tổng lượt truy cập: 1.627.450

Thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 17/1/2017 ký ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Việt Nam hoặc chưa được coi trọng, hoặc đầu tư dàn trải, manh mún, tự phát dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bền vững thì không có con đường nào khác, phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, bởi nó chính là cơ sở để phát triển, tăng trưởng một ngành công nghiệp bền vững.
 
Thuật ngữ “công nghiệp phụ trợ” được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một khái niệm chung nhất đối với thuật ngữ này. Tùy theo từng hoàn cảnh, mục đích sử dụng mà mỗi quốc gia đều có cách định nghĩa riêng. Ở Việt Nam, kể từ khi thuật ngữ “Công nghiệp phụ trợ” được nhắc đến trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, chính thức thông qua vào năm 2003, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI, người ta mới bàn luận nhiều về ngành công nghiệp hỗ trợ. 

 Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, gồm quy mô thị trường; minh bạch thông tin và nguồn nhân lực. Ngoài ra, những chính sách của chính phủ như chính sách thuế (giảm thuế và ưu đãi về thuế) và các chính sách hỗ trợ khác (hỗ trợ công nghệ, tài chính, đào tạo...) là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.
 
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có trình độ cao quan trọng hơn rất nhiều so với máy móc hiện đại. Bởi nếu chỉ đơn thuần dựa vào máy móc dây chuyền thì sẽ không tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế vì các quốc gia đều có thể sở hữu chúng. Do vậy, điểm làm nên sự khác biệt ở các quốc gia chính là đội ngũ nhân công có tay nghề cao. Bởi chính họ là những người trực tiếp vận hành, cải tiến máy móc, phát minh ra những phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả công việc, năng xuất cao, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

 Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tiếp cận khá thuận lợi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ lỡ một cơ hội lớn là trong khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh thì khả năng hấp thụ, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI lại hạn chế. Lý do là Việt Nam thiếu vắng hẳn một nền công nghiệp hỗ trợ. Hay nói cách khác là có quá ít doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ, nếu có thì chủ yếu tham gia khâu đóng gói, bao bì.
 
Hiện tại, các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty nước ngoài chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước khá lớn. Doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng kém. Các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành công nghiệp phụ trợ hiện vẫn duy trì phong cách làm ăn tự cung tự cấp. Thực tế, Việt Nam có rất ít thông tin liên kết thầu phụ công nghiệp. Vì vậy, nhiều công ty không tìm kiếm được thông tin về khả năng giao thầu của doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài cũng ít thông tin về doanh nghiệp Việt Nam. Thêm nữa, các doanh nghiệp nước ngoài thực sự ngần ngại khi phải ký kết hợp đồng thương mại với các nhà thầu phụ Việt Nam do môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi. Chưa kể, họ luôn canh cánh nỗi lo sợ khi bị phá vỡ hợp đồng.

 Các nhà cung ứng Việt Nam hiện hiểu biết còn hạn chế về khía cạnh pháp lý của hợp đồng. Bên cạnh đó, việc liên kết doanh nghiệp có ý nghĩa về mặt nâng cao khả năng cạnh tranh trong nội bộ ngành, sử dụng lợi thế cạnh tranh của khu vực, khai thác chuỗi giá trị để tạo nên sản phẩm mang tính cạnh tranh cao ở Việt Nam còn hạn chế. Trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc liên kết này có thể hình thành thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp. Trên thực tế, ở Việt Nam các cụm công nghiệp được hình thành thiếu quy hoạch tổng thể, chủ yếu để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất hơn là việc tạo nên chuỗi giá trị thông qua việc liên kết doanh nghiệp, kể cả sử dụng các dịch vụ tài chính và phi tài chính để khai thác lợi thế cạnh tranh.     

 Theo Vụ Công nghiệp Nặng, Bộ Công Thương, hiện nay, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ khá. Khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất nội địa vẫn còn khá lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng được sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì cũng mới chỉ quan tâm mở rộng quy mô, chứ chưa quan tâm nhiều đến đầu tư chiều sâu công nghệ và thiết bị.

 Trên thực tế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn phát triển và tham gia được vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng được 3 yếu tố, đó là chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được cả 3 yếu tố trên.

 Chính vì thế, việc Chính phủ thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng tăng thu nhập cho người dân; Giúp giảm giá thành một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như: ô tô, dệt may, gia giày, điện tử sẽ giảm xuống do các doanh nghiệp lắp ráp sử dụng hàng trong nước. Đồng thời, một số dịch vụ đi kèm như vận chuyển, logistic,… cũng sẽ giảm giá thành do việc giảm giá thành đầu tư. Bản thân các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt cũng có cơ hội áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, phù hợp với yêu cầu quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Hàng năm, căn cứ vào Chương trình và đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cân đối kinh phí từ ngân sách để thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (đối với kinh phí Trung ương); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.
 
Theo quyết định của Phó Thủ tướng, Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn: Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ gồm các hoạt động:

- Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

 - Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

 - Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

- Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ. 

 Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ gồm các công việc như:

 - Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

 - Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

 - Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

 - Cập nhật thông tin về công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Còn giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu:

 Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng: Sẽ tập trung phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
 
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: Sẽ tập trung phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.
 
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: Sẽ tập trung phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
 
Theo đánh giá của Vụ Công Nghiệp nặng Bộ Công Thương, khi Chương trình đi vào triển khai thực hiện, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệp phụ trợ, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong một số ngành.

Trong đó:

 Đối với Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô:

- Giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng ~ 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

- Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

 - Giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước
 
Đối với Ngành điện tử - tin học:

Tập trung vào các dịch vụ cung ứng giải pháp, thiết kế, trong đó đầu tư vào các dịch vụ cao cấp để hỗ trợ cho sản xuất phần mềm, phần cứng chuyên dụng; nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm mới, trong đó tập trung xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, giải mã công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp cho công nghiệp điện tử: cung ứng linh phụ kiện, logistic, cung ứng hạ tầng, bảo hành và bảo trì thiết bị công nghệ có chất lượng cao.

Đối với Ngành dệt may - da giày:

 Đến năm 2020 đạt khoảng 40% nhu cầu vải dệt thoi; Sản xuất trong nước từ 40 - 100% phụ tùng cơ khí dệt may; đáp ứng 80% nhu cầu nội địa về các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp và tiến tới xuất khẩu từ sau năm 2020. Ngành công nghiệp hỗ trợ da giầy phối hợp với ngành dệt may, đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giầy dép, đặc biệt là giầy dép vải xuất khẩu…

 

Nguồn tin: Theo http://arid.gov.vn

More