Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 609

Tổng lượt truy cập: 1.617.726

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản - vấn đề cần quan tâm

Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) là xemmột trong những hoạt động quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023 hoạt động XTTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình. Sau đây, xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu hoạt động này qua nội dung trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị

PV: Thưa ông, năm 2023 là năm đánh dấu nhiều hoạt động tích cực của Ngành Công Thương trên lĩnh vực XTTM, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nói chung, trong đó có sản phẩm nông nghiệp địa phương. Ông có thể cho biết thêm về một số kết quả thưa ông ?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Năm nay, có thể nói là một năm có nhiều khởi sắc trong hoạt động XTTM, ngay từ đầu năm Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư TM&DL, Trung tâm KC&TVPTCN, các đơn vị liên quan đã tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ DN nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, trong đó phải kể đến các hoạt động nổi bật sau:

 * Hỗ trợ DN tham gia các Hội nghị kết nối cung cầu, Hội chợ trọng điểm trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết, nhiều sản phẩm của tỉnh đã được ký kết hợp đồng tiêu thụ và hiện nay đã lên kệ của các nhà phân phối như sản phẩm cao dược liệu Mai Thị Thủy, mì rau củ Thiện Bảo, gạo hữu cơ Sepon; ngũ cốc Liên Giang, đậu xanh…

Ký kết hợp đồng và biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa Siêu thị Coop.mart Đông Hà và các DN trong tỉnh

* Sở Công Thương tổ chức thành công Chương trình kết nối các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh, kết quả đã có 26 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa 07 nhà phân phối với 16 nhà sản xuất, cung cấp trong tỉnh, trong đó Siêu thị Coopmart Đông Hà đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 DN, tiến hành hỗ trợ cho 02 đơn vị hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nước mắm, ruốc và cao dược liệu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Siêu thị Coopmar. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư TM&DL tổ chức thành công các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng kết hợp quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Trị tại thành phố Hà Nội thu hút hơn 10.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm; hàng trăm lượt trao đổi, tìm hiểu và có 10 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị với các nhà phân phối, cửa hàng đặc sản tại Hà Nội.

* Tổ chức làm việc các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến trực tiếp khảo sát, làm việc với doanh nghiệp Quảng Trị để hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bao tiêu sản phẩm được sản xuất trên địa bàn. Tháng 7/2023, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với các doanh nghiệp đến từ Hà Nội khảo sát vùng nguyên liệu, tìm hiểu sản phẩm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các DN của Hà Nội bước đầu đưa ra nhu cầu kết nối, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm gồm gạo hữu cơ Sepon, tiêu, chuối, đậu xanh Vĩnh Giang. Công ty MUSA PACTA sau chuyến khảo sát đã quay lại Quảng Trị đ tiếp tục nghiên cứu triển khai Dự án chế biến nguyên liệu từ cây chuối tại huyện Hướng Hoá gồm xây dựng Khu sơ chế nguyên liệu tinh bột chuối, tơ sợi từ thân cây chuối tiến đến xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu từ cây chuối để chế biến sâu các sản phẩm xuất khẩu hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phm đầu ra từ cây chuối với quy mô khoảng 4.200 ha chuối.

* Tổ chức các Đoàn giao thương xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tại phiên kết nối B2B, Tập Đoàn Central Retail Việt Nam quan tâm sản phẩm gạo hữu cơ Sepon, hồ tiêu Vĩnh Linh, cao dược liệu; bột ngũ cốc; mì sợi rau củ; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) quan tâm sản phẩm cao dược liệu; bột ngũ cốc; mì sợi rau củ; bột sen, bánh mix hạt; bún tươi sấy khô; mì sợi rau củ; bột ngũ cốc; Công ty cổ phần tập đoàn Ecofarm Pay; Công ty Cổ Phần Meli Food quan tâm đến các sản phẩm tinh dầu xoa bóp Mộc Sơn, tinh dầu tràm; cao dược liệu; bột ngũ cốc; mì sợi rau củ; bột sen, bánh mix hạt; bún tươi sấy khô; mì sợi rau củ; bún tươi sấy khô...

 DN tỉnh  Quảng Trị đang đàm phán với các nhà phân phối tại Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh thành

   * Bên cạnh đó, từ các nguồn kinh phí bố trí khác, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh lên bán trên các Sàn TMĐT có uy tín trong và ngoài nước; Hỗ trợ xây dựng 3 Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tại thị xã Quảng Trị, Tp Đông Hà và huyện Đakrông.

PV: Qua thực tế, ông nhận định như thế nào về điểm mạnh và điểm còn hạn chế của doanh nghiệp Quảng Trị trong triển khai hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu, nhất là sản phẩm nông nghiệp, thưa ông ?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Thông qua hoạt động XTTM thời gian qua, cho thấy các DN của tỉnh ta đã nhận thức rất rõ rằng: công tác XTTM để quảng bá, giới thiệu và giải quyết đầu ra của sản phẩm mình sản xuất được là vấn đề sống còn của DN. Do đó, DN đã quan tâm dành thời gian, đầu tư kinh phí để tham gia các hoạt động XTTM trọng điểm do Sở Công Thương, TT XTĐT TMDL; TT KC và TVPTCN… tổ chức. Qua các đợt tham gia trực tiếp các hoạt động XTTM cũng như qua các đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng về XTTM thì chất lượng tổ chức các hoạt động XTTM của các DN ngày càng được nâng cao, chuyên nghiệp và đem lại hiệu quả hơn.

Về điểm hạn chế, thì như chúng ta đã biết, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta có quy mô vừa và nhỏ; đặc biệt đối với các DN, CSSX chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng về tài chính và trình độ quản lý doanh nghiệp còn thiếu và yếu. Do vậy, hàng hóa sản xuất ra tiếp cận thị trường còn khó khăn, tính cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường còn thấp. Đa số là các Cơ sở sản xuất/các DN nhỏ vừa sản xuất gia công vừa trực tiếp phân phối. Thứ hai là sản phẩm nông sản có tính tương đồng cao kể cả khi so sánh với các sản phẩm của các DN trong tỉnh cũng như đối với các DN các tỉnh Miền trung -  Tây Nguyên; Do quy mô DN nhỏ nên số lượng sản phẩm sản xuất ra ít, không đáp ứng được các tiêu chí về số lượng của các chuỗi siêu thị, nhà phân phối lớn, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu về số lượng của các đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; bao bì nhãn mác của một số sản phẩm chưa được hoàn thiện nên khi tiếp cận vào các kênh phân phối của chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại còn gặp nhiều khó khăn.

Pv: Thưa ông, sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo cam kết hợp đồng. Theo ông, những giải pháp nào để nâng cao tính hiệu quả của liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo cam kết hợp đồng, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Như chúng ta đã biết, hiện nay, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ khá phổ biến. Với hình thức liên kết này, hợp đồng được ký ở đầu vụ và ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có thể cung cấp tín dụng, cung ứng vật tư, máy móc, tư vấn kỹ thuật cho nông hộ, nhưng doanh nghiệp cũng có quyền từ chối mua sản phẩm không đạt chất lượng. Để nâng cao tính hiệu quả của liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo cam kết hợp đồng, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, đây là một vấn đề lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

 Trước hết, phải có sự tham gia của Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ. Chú trọng tới chính sách tín dụng, bao gồm áp dụng mức trần lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cấp vốn, áp dụng ưu đãi cho các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng… Nhà nước cũng cần hỗ trợ thị trường đầu ra ổn định, tạo điều kiện để mối liên kết sản xuất, tiêu thụ diễn ra thông suốt. Nhà nước cần tham gia vào mối liên kết nhằm hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng; quy hoạch vùng nguyên liệu; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; XTTM; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên

Khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ chức liên kết các nông hộ, làm  cầu nối trung gian, đại diện các nông hộ đứng lên thỏa thuận với doanh nghiệp, kiểm soát việc soạn thảo và thực thi hợp đồng để bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp và nông hộ. Trường hợp xảy ra tranh chấp thì hợp tác xã và các tổ chức liên kết nông hộ sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải để cân bằng lợi ích giữa hai bên.

Để hạn chế việc hợp đồng không ổn định thậm chí phá vỡ hợp đồng khi biến động lớn về thị trường giữa doanh nghiệp và nông hộ, doanh nghiệp cần áp dụng cách tính giá thành sản phẩm linh hoạt bằng cách quy định giá sàn cũng như nâng cao khả năng dự báo và đánh giá tiềm năng của thị trường trước khi đi đến ký kết hợp đồng với nông hộ.

PV: Như vậy, theo ông doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục hạn chế, bắt nhịp với những thay đổi, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nói chung, nông sản Quảng Trị nói riêng, thưa ông ?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Như chúng ta đã biết, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, được xem là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Tuy nhiên, đối với tỉnh ta, doanh nghiệp trên địa bàn, hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ, việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu trên lĩnh vực trồng trọt. Do vậy, để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đối với DN, để khắc phục hạn chế, bắt nhịp với những thay đổi, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết Doanh nghiệp phải từng bước xây dựng để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường; thường xuyên theo dõi dự báo, cập nhật và nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để chủ động có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp; Đa đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời từng bước tiếp cận với các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao; Phải có ý thức, trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động XTTM đáp ứng yêu cầu tiêu thụ hàng hóa; Phải chú trọng công tác XTTM tiêu thụ sản phẩm nông sản; tích cực tiếp cận các kênh hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực XTTM để tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; bố trí nguồn tài chính đối ứng và nhân lực để tích cực tham gia các hoạt động XTTM do các Đơn vị Chủ trì Đề án XTTM tổ chức nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

PV: Có thể nói công tác chuyển đổi số trong hoạt động XTTM có ý nghĩa rất quan trọng, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hưng: Đối với tỉnh Quảng Trị thì thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong hoạt động XTTM được ngành Công Thương tích cực triển khai. Đáng chú ý, năm 2022, thực hiện cam kết với Giám đốc Sở Công Thương với Ban TV Tỉnh ủy, Sở đã hỗ trợ cho 18 doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh với tổng cộng 128 sản phẩm tham gia 04 Sàn TMĐT lớn trong nước là Shopee, Lazada, Voso và Tiki. Sở cũng đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND ngày 07/12/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình XTTM trên địa bàn tỉnh, theo đó hỗ trợ hoạt động XTTM trên môi trường mạng là một trong những nội dung được bổ sung.

Tuy nhiên, để thực hiện được chuyển đổi số trong hoạt động XTTM một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Chuyển đổi số phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng. Ngoài ra, cần có sự chung tay, góp sức của các Sở, ngành, địa phương cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh để chuyển đổi số trong công tác XTTM thực sự có hiệu quả, tạo ra giá trị cho xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

 PV: Thời gian tới, Ngành Công Thương sẽ làm gì để tiếp tục triển khai có hiệu quả  các hoạt động XTTM, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nói chung, trong đó có sản phẩm nông nghiệp địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hưng trả lời: Mục tiêu chính của hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Trị hiện nay và thời gian tới là nâng cao hiệu quả xúc tiến, tập trung chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối các sản phẩm OCOP, đặc trưng, hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, có khả năng thâm nhập thị trường gắn với chuyển đổi số, tạo thị phần ổn định và mở rộng trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu; Tập trung tổng kết, đánh giá lại kết quả tổ chức thực hiện các hoạt động XTTM trong thời gian qua, định hướng cho các Đơn vị Chủ trì các Đề án XTTM đăng ký thực hiện các Đề án XTTM phù hợp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt; Tổ chức tuyên truyền, định hướng cho doanh nghiệp để tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác XTTM đối với việc xây dựng kế hoạch tài chính, nhân sự, thời gian để tổ chức các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm một cách thường xuyên, đề xuất các nội dung cần hỗ trợ để các đơn vị chủ trì đề án xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả, kịp thời để xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn Ông!

Bài và ảnh: Hà Trang

More