Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 609

Tổng lượt truy cập: 1.513.467

Tiềm năng và động lực phát triển để xây dựng tỉnh Quảng Trị sớm trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 32 nhà máy điện năng lượng tái tạo vận hành phát điện với tổng công suất lắp đặt 966,5 MW, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là 19 nhà máy điện gió ở vùng phía Tây của tỉnh với tổng công suất 671.1 MW.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Quảng Trị đã tích cực chủ động, gắn với nhiều quyết sách đúng đắn để thu hút đầu tư. Nhờ đó, những năm qua, vùng đất “nắng và gió khắc nghiệt” này đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển năng lượng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, rất nhiều dự án năng lượng được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, khảo sát và đề xuất để tỉnh Quảng Trị tổ chức xem xét, tổng hợp trình Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, đảm bảo cho việc phát triển dự án.  

1. Đối với Thủy điện: Quảng Trị là một trong những tỉnh có tiềm năng về thuỷ điện nhỏ. Các dòng sông như Rào Quán, Đakrông, Bến Hải…của tỉnh Quảng Trị đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, sông có độ dốc cao, lòng sông hẹp, có nhiều ghềnh thác nhỏ.

Theo các quy hoạch được phê duyệt, toàn tỉnh có 17 dự án thuỷ điện với tổng công suất 260,5 MW. Ngoài dự án thủy lợi - thủy điện Quảng Trị có công suất 64 MW do Tổng công ty Phát điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) quản lý, Quảng Trị có 9 dự án thủy điện nhỏ đi vào hoạt động với tổng công suất 103,5 MW, có 7 dự án thủy điện nhỏ đang triển khai xây dựng với tổng công suất 93 MW, dự kiến năm 2023 hoặc đầu năm 2024 hoàn thành phát điện. Có 4 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 31 MW và 01 dự án thủy điện tích năng có công suất khoảng 1.000 MW đang được các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu.

2. Năng lượng gió: Gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng khá tốt cho việc sử dụng năng lượng, vận tốc gió > 7m/s, xuất hiện ở cả vùng núi phía Tây và vùng ven biển. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng có nhiều đỉnh của sống núi thuộc dãy Trường Sơn có gió rất tốt, vận tốc gió nằm trong khoảng 8,5 đến 9,5 m/s, nhưng khả năng tiếp cận những khu vực này rất khó khăn.

Với phân chia 3 vùng quy hoạch tiềm năng phát triển điện gió và từ đề xuất 4 dự án điện gió có tổng công suất 110 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 6185/QĐ-BCT ngày 19/6/2015. Đến nay, để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Quảng Trị đã tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện gió, tiếp tục đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch thêm 27 dự án điện gió, với tổng công suất 1.067,2 MW. Ngoài ra, tỉnh đã trình Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch thêm 54 dự án điện gió với tổng công suất 2.883,65 MW và 15 dự án đang giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 3.410 MW.

Từ 02 dự án có tổng công suất 60 MW, được Chủ đầu tư là Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đầu tư xây dựng và phát điện đạt hiệu quả (NMĐG Hướng Linh 2 phát điện năm 2017 và Hướng Linh 1 phát điện năm 2019). Đây là bước đi đầu tiên, là cơ sở và động lực để hiện thực hóa tiềm năng, lợi thế về năng lượng gió của tỉnh Quảng Trị. Với 29 dự án đã được phê duyệt quy hoạch và UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư, năm 2021 là năm đại công trường xây dựng điện gió tại Quảng Trị với đồng loạt các dự án triển khai. Mặc dù, rất khó khăn trước đại dịch COVD-19, các nhà đầu tư đều đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành trước thời điểm 01/11/2021 để được hưởng giá ưu đãi 8,5 Uscents/kWh, áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.. Đã có 17 dự án điện gió với tổng công suất 611,1 MW được nghiệm thu phát điện và vận hành thương mại thành công trước thời điểm 01/11/2021. Hiện nay, có 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW, tiếp tục được các Nhà đầu tư gấp rút triển khai thi công xây dựng, dự kiến năm 2023 sẽ vận hành thương mại.
 

3. Năng lượng mặt trời: Theo số liệu của Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn và nghiên cứu quy hoạch của Viện Năng lượng, vùng Quảng Trị có giờ nắng bình quân năm và cường độ bức xạ mặt trời khá cao, cả năm có tới hơn 1.910 giờ nắng; bức xạ trung bình 4,35 kWh/m2/ngày. Với điều kiện bức xạ và số giờ nắng trên, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm đạt các tiêu chí về bức xạ và số giờ nắng sử dụng các dàn pin mặt trời cho hiệu quả tốt.


Vơi đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, dọc vùng ven biển Quảng Trị có những vùng cát nội đồng vốn ít mang lại giá trị kinh tế do người dân gặp nhiều bất lợi khi sản xuất nông nghiệp; ở vùng cát trắng một số xã vùng Đông huyện Gio Linh đã gợi mở hướng phát triển mới trên những vùng đất khô cằn, nắng gió trong tỉnh.. Tỉnh Quảng Trị cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến Quảng Trị phát triển các dự án điện mặt trời. Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5 MWp đã hoàn thành phát điện thương mại. Ngoài ra, còn có 19 dự án điện mặt trời khác đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.391 MWp; 2 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 115 MWp. Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng được người dân và nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng theo cơ chế khuyến khích của Chính phủ; tính đến cươi năm 2021, Quảng Trị có 741 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 113,384 MWp vận hành phát điện.

4. Các nguồn năng lượng khác: Với việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo như kể trên, Quảng Trị cũng đã khởi động những dự án năng lượng có quy mô lớn. Tại Khu Kinh tế Đông Nam của tỉnh, ngoài dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 với công suất 1.320 MW do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) đầu tư, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2025-2026; các dự án điện khí cũng được thu hút đầu tư, như dự án Nhà máy điện tua bin khí chu trình hổn hợp Quảng Trị có công suất 340 MW đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đồng ý giao cho Công ty Gazprom EP Intẻnational B.V. (thuộc Tập đoàn Gaprom - Liên bang Nga) làm chủ đầu tư dự án, sử dụng khí từ mõ Báo Vàng ngoài khơi bờ biển Quảng Trị. Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Trị bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó bổ sung giai đoạn 1 quy mô công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027, giai đoạn 2 của dự án (3.000 MW) sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch điện VIII; nguồn khí cung cấp cho dự án điện khí nói trên là khí nhập khẩu và có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng…Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng do tổ hợp nhà đầu tư bao gồm các đơn vị: Tập đoàn T&T Group, Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc -  KOSPO, Tổng Công ty khí Hàn Quốc - KOGAS và Tổng Công ty năng lượng Hanwha - HEC đến từ Hàn Quốc làm chủ đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Tổng sơ đồ điện VIII) Dự án Nhà máy điện khí LN Hải Lăng 1 - Quảng Trị với công suất 1.500 MW do Liên danh Công ty TNHH Tài Tâm - Công ty CP Đầu tư và kinh doanh BĐS Thăng Long đề xuât.

Các dự án này được tỉnh Quảng Trị xác định là dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh, cần được ưu tiên đầu tư nhằm tạo động lực sớm đưa tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung và làm tiền đề, động lực cho các dự án trong Khu Kinh tế Đông Nam như Cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp đa ngành, logistic…sớm đi vào xây dựng và hoạt động.

Đối với phát triển điện sinh khối, thực tế cho thấy tiềm năng năng lượng sinh khối ở tỉnh Quảng Trị là khá lớn. Nguồn năng lượng khí sinh học là nguồn nhiên liệu được dùng để đun nấu, thắp sáng và sản xuất điện năng. Nguồn nguyên liệu để sản xuất khí sinh học là các loại chất hữu cơ có nguồn gốc động vật, các loại phụ phẩm cây trồng thích hợp với công nghệ sản xuất khí sinh học. Năng lượng khí sinh học không chỉ là nguồn nhiên liệu năng lượng rất hữu ích mà còn là một trong những giải pháp chủ yếu bảo vệ môi trường nông thôn. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng có 80% dân sống ở nông thôn và chăn nuôi ngày càng phát triển theo xu thế tập trung. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VIII với 02 dự án có công suất 80 MW.

Đối với năng lượng biển - Quảng Trị có gần 75 km chiều dài đường bờ biển với hàng triệu km2 mặt biển rộng lớn có khả năng khai thác sử dụng các nguồn năng lượng biển như năng lượng gió trên biển, năng lượng sóng biển, thủy triều, năng lượng dòng hải lưu, nhiệt biển… nhưng rất tiếc là cho đến nay chưa có điều tra cơ bản nên chưa đánh giá được chính xác tiềm năng các nguồn năng lượng nói trên.

5. Lưới điện truyền tải: Song song với việc phát triển các dự án nguồn điện, hệ thống lưới điện truyền tải có vai trò hết sức quan trọng. Để tăng cường năng lực lưới điện, phục vụ truyền tải các nhà máy điện gió khu vực Tây Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành các dự án trước điểm tháng 10 năm 2021, đó là Trạm biến áp 220kV Lao Bảo (2x250MVA) và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo (mạch kép dây phân pha ACSR-2x400), khả năng tải 2 mạch đường dây xấp xỉ 1.000MW; đường dây 110kV mạch kép Đông Hà - Lao Bảo (nâng dây dẫn AC-185 thành dây phân pha AC-2x185), khả năng tải xấp xỉ 300MW. Tuy nhiên, xét toàn bộ các nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện đã có quy hoạch vào vận hành (1.440MW) sẽ xuất hiện quá tải lưới điện 220kV/110kV nội vùng. Vì vậy, để giải tỏa hết công suất của các dự án điện gió phía Tây Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất xây dựng dự án Trạm biến áp 500kV Lao Bảo và đường dây 500kV Đông Hà - Lao Bảo và bổ sung xây dựng mới Trạm cắt 500kV Quảng Trị 2 tại Cam Lộ, chuyển tiếp mạch 3,4 Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi đảm bảo tiến độ truyền tải công suất, nâng độ tin cây cung cấp điện và giảm tổn thát điện năng lưới  truyền tải; 2 dự án Trạm biến áp 500kV này tiến độ hoàn thành trước năm 2025, đã được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch Tổng sơ điện VIII và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với dự án Đường dây và Trạm biến áp 500kV Quảng Trị 1 đang được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) gấp rút thực hiện các thủ tục đầu tư để cuối Quý III/2022 khởi công xây dựng công trình.

Với việc xây dựng hoàn thành 3 Trạm biến áp 500kV nói trên trước giai đoạn 2025, sẽ tạo cơ hội và động lực cho các nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng hoàn thành các dự án năng lượng đã được quy hoạch và cơ sở đảm bảo cho việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng đã được tỉnh Quảng Trị trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Trạm biến áp 220 kV – 2x250MW  Lao Bảo đã vận hành năm 2021- Ảnh: Đ.T

 

Phát huy lợi thế của vùng đất nắng và gió khắc nghiệt, tỉnh Quảng Trị đang quyết tâm biến những bất lợi của thiên nhiên trở thành động lực và dư địa phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Theo tính toán, tổng nguồn năng lượng của Quảng Trị khoảng trên 18.000 MW (trong đó điện gió khoảng 7.500 MW, điện khí 6.340 MW, điện mặt trời khoảng 1.400 MW, điện sinh khối khoảng 200 MW, nhiệt điện 1.320 MW, thủy điện vừa và nhỏ khoảng 300 MW và thủy điện tích năng 1.000 MW…Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Trị xác định khu vực năng lượng lớn: điện gió ở phía tây của tỉnh và điện khí ở Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Ngày 27/4/2021, Tỉnh ủy Quảng trị đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Đây là Chương trình quan trọng để tỉnh kêu gọi phát triển ngành công nghiệp năng lượng bền vững. Tỉnh phấn đấu phát triển các dự án năng lượng trên địa bàn đến năm 2025 đạt công suất phát điện trên 3.000 MW, giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 8.000 - 10.000 MW, sau năm 2030 có khoảng trên 10.000 MW, nhằm góp phần tích cực tăng thu ngân sách địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để Quảng Trị hướng đến trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030. Vì vậy, tỉnh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt bổ sung các dự án năng lượng của tỉnh đã trình vào quy hoạch điện lực quốc gia làm cơ sở để tỉnh triển khai, kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư trên cơ sở đúng pháp luật, tạo sự thân thiện, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; định hướng lựa chọn nhà đầu tư lớn, tầm cỡ trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Phát triển công nghiệp năng lượng đang được xem là trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện phát huy vai trò của mình trong liên kết vùng. Đặc biệt, thông qua hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, Quảng Trị sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển các vùng phụ tải để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến, trên nền tảng nền nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Chính vì vậy, tỉnh quyết tâm đồng hành với nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án năng lượng đã được quy hoạch, đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp. Với các dự án năng lượng đang và sẽ triển khai thực hiện, Quảng Trị đang dần trở thành “điểm tập trung” nhiều dự án quy mô lớn về năng lượng, hạ tầng, du lịch... Đây sẽ là “đòn bẩy” để sớm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước và trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra./.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Tùng, Phó Trưởng phòng QL Năng lượng

Bài viết liên quan