Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 51

Tổng lượt truy cập: 1.618.656

Kỷ niệm 67 năm truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951-14/5/2018) – 10 năm hợp nhất Sở Công Thương Quảng Trị (2008-2018)

Vào ngày 28 tháng 8 năm 1945, tức là 04 ngày trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế (phụ trách Sở kinh tế, Nha thương vụ, Nha tiếp tế, Nha khoáng chất và kỹ nghệ).

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.
Trải qua năm tháng cùng đất nước kháng chiến gian khổ, hòa bình xây dựng và phát triển, để thích hợp với nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, Bộ Công Thương đã được thay đổi tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng vẫn trong khuôn khổ nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền công nghiệp và thương mại của đất nước. Đến ngày 31/7/2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH 12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Công thương Việt Nam, ngày 02-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 là ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam. Như vậy, đến nay ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 67 năm hình thành và phát triển.
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ đã đi qua, với bao khó khăn thử thách và những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, dù trong hoàn cảnh nào, ngành Công Thương Việt Nam cũng luôn phát huy tinh thần tự chủ, lao động sáng tạo, góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập tự do cho dân tộc, ngành Công Thương đã lập nhiều chiến công hiển hách, phục vụ đắc lực cho chiến đấu và xây dựng hậu phương lớn. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” lớp lớp cán bộ công nhân viên ngành Công Thương đã lao động quên mình và anh dũng hy sinh góp phần viết nên những trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ 20.
Bước sang thời kỳ cả nước xây dựng CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; ý thức được trách nhiệm của mình, ngành Công Thương luôn đi đầu trong sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và thực sự trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước.
Gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương Quảng Trị đã sớm ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ tổ chức tiền thân là “Ban Kinh tài Quảng Trị” sau đó là” Chi Sở Mậu dịch Quảng Trị”, “Ty Thương nghiệp Vĩnh Linh”, “Ty Công nghiệp - TTCN Vĩnh Linh”, “Tiểu ban Thương nghiệp mậu dịch Quảng Trị”, “Ban Thương nghiệp mậu dịch Trị Thiên”, “Ty Công thương Quảng Trị”… là những tên gọi của ngành được thành lập, thay đổi theo yêu cầu phục vụ sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. “Sở Công nghiệp Bình Trị Thiên”, “Sở Thương nghiệp Bình Trị Thiên” thời kỳ hợp nhất 3 tỉnh (1976-1989), “Sở Thương nghiệp Quảng Trị” (1989-1991), “Sở Thương mại - Du lịch Quảng Trị” (1991-2008), “Sở Công nghiệp Quảng Trị” (1989-2008) và từ tháng 5/2008 đến nay là “ Sở Công Thương Quảng Trị”.
Thời kỳ 1946-1954: Năm 1946 tại chiến khu Ba Lòng xưởng in đầu tiên của UBHC kháng chiến tỉnh Quảng Trị đã ra đời phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng và Bác Hồ về đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc. Năm 1947, xí nghiệp thuốc lá thuộc Tỉnh uỷ Quảng Trị ra đời, cũng trong những năm 1946-1947 tại chiến khu Ba Lòng xưởng mộc Khoá Bảo, xưởng mộc Lê Thế Hiếu, xưởng cơ khí Đăng khoa cũng được thành lập với nhiệm vụ phục vụ nhu cầu tại chỗ và sản xuất các loại vũ khí thô sơ, sửa chữa binh khí, nông cụ.
Ban Kinh tài, Chi sở mậu dịch Quảng Trị buổi đầu thành lập trong điều kiện thiếu thốn trăm bề hoạt động vừa bí mật vừa công khai nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến, là cầu nối quan trọng giữa vùng kháng chiến và vùng tạm chiếm góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.
Thời kỳ 1955-1972: Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải trở thành ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc. Ngày16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập đặc khu Vĩnh Linh - tuyến đầu của miền Bắc XHCN. Phần lớn các cơ sở công nghiệp tại chiến khu Ba Lòng được chuyển ra Vĩnh Linh tiếp tục sản xuất. Xí nghiệp gỗ Lê Thế Hiếu, Xí nghiệp cơ khí Đăng Khoa phát triển lớn mạnh làm hạt nhân cho ngành công nghiệp Vĩnh Linh. Tại khu vực Vĩnh Linh thời kỳ này còn có Xí nghiệp điện, Xí nghiệp vôi, Xí nghiệp tinh bột - chè hương, Xí nghiệp gạch ngói Linh Đơn, Vĩnh Sơn, Trung Sơn, Đội cơ khí nhỏ nông thôn… Tại vùng địch hậu giáp ranh Ba Lòng, Hướng Hoá các xưởng rèn, xưởng mộc vẫn duy trì hoạt động cung cấp vũ khí thô sơ và nông cụ phục vụ kháng chiến.
Thương nghiệp Vĩnh Linh vừa phục vụ xây dựng CNXH nơi tuyến đầu của miền Bắc, vừa tiếp tế hàng hoá chi viện cho quân dân bờ Nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, dưới mưa bom bão đạn hàng hoá nhu yếu phẩm, vật tư phục vụ sản xuất vẫn đến được với đồng bào, chiến sỹ.
Tại chiến trường Quảng Trị, cán bộ ngành Công Thương vừa luồn sâu vào vùng địch hậu, chuyển hàng lên căn cứ; vừa vượt qua sông sâu, rừng thẳm để tiếp nhận hàng hoá từ miền Bắc chuyển vào (từ năm 1966 tại Cù Bai - Hướng lập - Hướng Hoá, cửa hàng “Ngã ba dân chủ” đã được hình thành để tiếp nhận hàng hoá từ Vĩnh Linh chuyển vào).
Thời kỳ 1972-1976: Sau ngày tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng các Bộ, ngành Trung ương đã cử các đoàn công tác đặc biệt vào giúp Quảng Trị hình thành các cở sở Công Thương nghiệp phục vụ nhân dân vùng giải phóng và chuẩn bị hậu cần cho giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đoàn D73 (Bộ Điện và Than) thành lập Nhà máy điện Quảng Trị, Công ty Nam Thắng (Bộ Nội Thương) thành lập các đại lý bách hoá, thực phẩm (Sau đó nâng cấp thành Công ty bách hoá và Công ty thực phẩm Quảng Trị). Xí nghiệp gốm Thanh Quảng, Xí nghiệp Vôi, xí nghiệp cơ khí 20-12… cũng ra đời trong thời gian này.
Thời kỳ 1977-1989: Thời gian này ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Ngành Công Thương đã được nhanh chóng tổ chức lại và phát triển lực lượng, tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hoá phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế xã hội. Trên địa bàn Quảng Trị, các cơ sở công nghiệp - TTCN trong thời kỳ này phát triển thêm một số xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ như Xí nghiệp gỗ Long Hưng, Xí nghiệp chế biến lương thực Ái Tử, nhà máy xi măng Đông Hà, Xí nghiệp gạch ngói vĩnh Đại, HTX chiếu cói Hậu Kiên và các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN ở các huyện, thị xã… Các công ty thương nghiệp, công ty vật tư, công ty ngoại thương, HTX mua bán các huyện, thị phát triển mạnh. Công ty thương nghiệp Triệu Hải nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành thương nghiệp Bình Trị Thiên.
Thời kỳ 1990- 2007: Sau khi tỉnh nhà được tái lập đối mặt với vô vàn khó khăn, các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn hầu như không có, hoạt động của các công ty thương mại gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang cơ chế thị trường. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các Bộ, ngành TW, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh, ngành Công Thương Quảng Trị đã từng bước ổn định và sắp xếp lại tổ chức, định hình hướng đi, vừa phát triển vững chắc thị trường nội địa, vừa mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa duy trì và phát triển các cơ sở công nghiệp - TTCN hiện có vừa thu hút đầu tư các dự án mới, vừa nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước vừa nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngành Công thương Quảng Trị đã từng bước vươn lên, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà.
Thời kỳ 10 năm hợp nhất Sở 2008-2018: Thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, ngày 28/4/2008 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 748/QĐ-UBND hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch thành Sở Công Thương Quảng Trị và tháng 5/2008, Sở Công Thương Quảng Trị chính thức đi vào hoạt động.
Song song với việc hợp nhất Sở Công Thương, để kịp thời làm tốt vai trò và chức năng của tổ chức Công đoàn, ngày 02/6/2008 LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cũng đã ra Quyết định số 74/QĐ-LĐLĐ về việc hợp nhất Công đoàn ngành Công nghiệp và Công đoàn ngành Thương mại - Du lịch thành Công đoàn ngành Công Thương. Qua 2 nhiệm kỳ Đại hội, Công đoàn ngành Công Thương Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực cố gắng làm tốt chức năng của mình và ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng.
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngành Công Thương Quảng Trị luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của HDND và UBND tỉnh, sự chỉ dạo của Lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương cùng với nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, hoạt động công nghiệp, thương mại đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt trên 8.400 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010); Dự ước năm 2018 đạt trên 9.740 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2018 đạt gần 12%/năm, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước trong cùng thời kỳ. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn có bước phát triển.  Một số chính sách đã được ban hành để thúc đẩy phát triển công nghiệp như chính sách khuyến công; chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư; Đề án củng cố, khôi phục phát triển làng nghề, ngành nghề TTCN; đề án phát triển cơ khí; phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngành nghề chế biến gỗ; Đề án đào tạo nguồn nhân lực (trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn)…Trong giai đoạn 2008-2018, thu hút được trên 262 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 50.300 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng và 248 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 49.330 tỷ đồng. Mỗi năm, lĩnh vực công nghiệp tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.
Nhiều dự án đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy sản xuất ván gỗ MDF dây chuyền 1 và dây chuyên 2 (tổng công suất 180.000m3/năm), nhà máy bia Hà Nội - Quảng Trị, nhà máy may xuất khẩu Hòa Thọ - Đông Hà, nhà máy phân bón NPK Bình Điền, trạm nghiền xi măng Bỉm Sơn Quảng Trị, các nhà máy Thủy điện, điện gió, nhà máy chế biến Titan, nhà máy sản xuất nước uống tăng lực Super Horse, nhà máy sản xuất săm lốp xe máy Camel, các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến mủ cao su, cà phê, tinh bột sắn, Trung tâm nhiệt điện Quảng Trị với 2 nhà máy 1.320 MW và phát triển tổ hợp điện khí hình thành Khu phức hợp năng lượng kết nối với các nước Lào, Thái Lan; các dự án phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và chế biến VLXD thủy tinh từ nguồn cát trữ lượng lớn, hàm lượng silic cao,... đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngành Công Thương Quảng Trị đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới. Nhiều sản phẩm công nghiệp sản xuất trong tỉnh đã xác lập được uy tín và thương hiệu đối với thị trường trong và ngoài nước.
Kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và 14 cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ sản xuất công nghiệp. Mạng lưới điện đã phủ khắp 144/144 xã, phường, thị trấn trên đất liền, có 99,71% số hộ dân đã được sử dụng điện, cao hơn mặt bằng chung cả nước, phương án cấp điện cho huyện đảo Cồn Cỏ từ lưới điện quốc gia đang trình Chính phủ phê duyệt.
Hoạt động thương mại có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô, thị trường, hạ tầng kỹ thuật, thích ứng nhanh với cơ chế mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân, chủ động và từng bước hội nhập có hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2017 đạt trên 25.000 tỷ đồng; Dự ước năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt trên 27.000 tỷ đồng; Trong giai đoạn 2008-2018, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 16,2%/năm. Thương nghiệp không chỉ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm. Hệ thống chợ tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều siêu thị, cửa hàng cửa hiệu văn minh hiện đại ra đời, làm thay diện mạo đô thị. Hệ thống phân phối hàng hóa được thiết lập, hàng hóa lưu thông thông suốt từ thành thị đến nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Hình thành nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất trong đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chú trọng triển khai thực hiện, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản được kiềm chế.
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt trên 267 triệu USD, tốc độ tăng bình quân đạt 25,3%/năm giai đoạn 2008-2017. Kim ngạch nhập khẩu năm 2017 đạt trên 196 triệu USD, tốc độ tăng bình quân đạt 19,1%/năm giai đoạn 2008-2017. Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo tiếp tục được đầu tư, kết cấu hạ tầng, từng bước hình thành một trung tâm kinh tế thương mại phát triển trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu La Lay đã được nâng cấp trở thành Cửa khẩu Quốc tế.
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Các quy hoạch ngành, chuyên ngành được quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện, nhiều chính sách ngành tham mưu được triển khai có hiệu quả. Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại góp phần tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được củng cố và tăng cường, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Qua 10 năm hợp nhất, Công đoàn ngành Công Thương Quảng Trị đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, chủ động sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên và người lao động trong ngành. Tập trung chỉ đạo các CĐCS xây dựng chương trình hành động cụ thể, tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiệu quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ ngày càng được quan tâm. Các hoạt động xã hội ngày càng được thực hiện hiệu quả và thiết thực.
Hiện nay, tổng số cán bộ, CCVC và công nhân lao động của các đơn vị thuộc công đoàn ngành ngành là 2.877 người, trong đó, nữ chiếm 29,5 %; tổng số đoàn viên công đoàn là  2.533 đoàn viên và 35 CĐCS. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị ngày càng được nâng cao, thu nhập người lao động ngày càng ổn định (5,5trđ/ng/th), các chế độ chính sách của người lao động ngày càng được quan tâm đúng mức.
Công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ được thực hiện tốt góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Các phong trào thi đua gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp luôn được các CĐCS quan tâm phối hợp với chuyên môn chỉ đạo thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được nhiều tập thể và cá nhân tham gia với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào công tác quản lý và cải tiến công nghệ. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được đổi mới, thực chất và có tác dụng.
Nhìn lại chặng đường 67 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương Quảng Trị bằng ý chí, nghị lực, trí thông minh và lòng dũng cảm đã lao động cần cù sáng tạo, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đã được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức, ngành Công Thương Quảng Trị đoàn kết, nổ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu của ngành được giao theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2020 đạt 10,5%-11%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 16,7%/năm; Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đến năm 2020 đạt 250 triệu USD, kim ngạch nhập nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đến năm 2020 đạt 275 triệu USD.
Ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành, chúng ta trân trọng và tự hào về những đóng góp to lớn và sự hy sinh của lớp lớp cán bộ, công nhân viên lao động ngành Công Thương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tự hào về truyền thống vẻ vang và những kết quả đạt được, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị hôm nay càng ý thức sâu sắc hơn vinh dự và trách nhiệm với Ngành, với quê hương Quảng Trị. Ngành sẽ tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC vững mạnh về chính trị tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo; có tâm huyết với nghề; không ngừng củng cố, xây dựng mối đoàn kết nội bộ vững mạnh; thường xuyên bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, của tỉnh, nắm vững và thực hiện sáng tạo nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Công Thương, nỗ lực phấn đấu trong sự nghiệp xây dựng ngành Công thương vững mạnh, xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp, văn minh.
Nhân dịp này, thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động Ngành Công Thương Quảng Trị, cho phép tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ngành nhiều năm qua; Cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ đầy nhiệt tình và hiệu quả của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; Cảm ơn sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Công thương qua từng thời kỳ. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; Sự ủng hộ, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong thời gian tới. Tôi cũng đề nghị và tin tưởng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao.
Phát huy những thành tích đã đạt được, với niềm tin và khát vọng về một quê hương Quảng Trị mạnh giàu, trên chặng đường tiếp theo ngành Công Thương Quảng Trị sẽ tiếp tục phấn đấu nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triẻn kinh tế- xã hội của tỉnh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vững bước cùng quê hương trên con đường phát triển./.

More