Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 1

Tổng lượt truy cập: 1.631.545

Ngành công thương tích cực chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm PVHCC tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Đ.T.T

Xác định tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số, thời gian qua, ngành công thương đã tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp; nhằm tạo môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Sở Công thương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, dịch vụ công của tỉnh; cung cấp 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của Sở Công thương trên Cổng dịch vụ công tỉnh, Trang thông tin điện tử sở và công khai niêm yết đầy đủ bộ TTHC của sở. Bên cạnh đó, tất cả TTHC của sở đều được số hóa cụ thể theo quy trình, thủ tục trên Hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử” tỉnh Quảng Trị.

Sở Công thương Quảng Trị phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh - Ảnh: H.T

Thực hiện việc số hóa đầu vào hồ sơ TTHC khi tiếp nhận và giải quyết, đảm bảo người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã được số hóa.

Mặt khác, đối với việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, đến nay, 100% văn bản đến và văn bản đi của sở được quản lý qua phần mềm “Hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc” (trừ văn bản mật) và được triển khai thực hiện ứng dụng chữ ký số.

Đặc biệt, Sở Công thương đã phối hợp Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành công thương lên Cổng thông tin phản ánh hiện trường tỉnh Quảng Trị để người dân khai thác.

Bên cạnh chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn, ngành công thương chú trọng tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng và các giải pháp giao dịch, thanh toán điện tử trong thương mại và dịch vụ công. Chú trọng ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR Code, POS.

Đặc biệt, trên lĩnh vực xúc tiến thương mại, thời gian qua, ngành công thương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch trên internet nhằm phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

Phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam (Lazada, Shopee...) triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử.

Duy trì, vận hành, nâng cấp và bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Trị (https:// quangtritrade.gov.vn) giúp sàn hoạt động tốt, ổn định, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) trong việc kết nối Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Trị với các sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài ra, sở còn chủ động, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cấp giao diện và các tính năng trên sàn thương mại điện tử; đồng hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp truy xuất nguồn gốc, thiết kế và in tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Nhận thức rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng, Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 90% thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, 99% tỉ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đến năm 2030, 100% TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, 99% tỉ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đồng thời hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm TTHC; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số theo hướng toàn diện, gắn với khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode trong hoạt động thương mại điện tử và logistics.

Tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử đa dạng; kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới.

Song song với đó, sẽ chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó sẽ ưu tiên hai mục tiêu là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và khai thác năng lượng tái tạo phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội.

Bài và ảnh: Hà Trang

More