Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 422

Tổng lượt truy cập: 1.618.379

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Trị, bức tranh nền kinh tế Quảng Trị cho đến tháng 8 có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 26,85%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,45% so với cùng kỳ năm trước cho thấy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế  xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo sự yên tâm, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 18/8 đạt 3.306,67 tỷ đồng, bằng 79,68% dự toán địa phương. Tốc độ tăng trưởng trong 7 tháng ước đạt 6,92%, cao hơn cùng kỳ năm trước gần 1%, điều đó thể hiện nền kinh tế đang phục hồi khá tốt mọi mặt. Tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6,5 - 7% cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp. 

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các dự án đầu tư công


Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Ngay từ đầu năm 2022, ngành cùng với các địa phương đã nỗ lực tìm kiếm kêu gọi, thu hút đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp để liên kết triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động thực hiện các phương án sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, chỉ đạo, điều hành một cách quyết liệt và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong vụ Đông Xuân do ảnh hưởng của của đợt mưa lũ trái mùa, bất thường, dịch bệnh gây hại cây trồng, vật nuôi cộng với giá cả vật tư, phân bón, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tính đến cuối tháng 7, tốc độ tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp giảm 4,38%. Trước tình hình đó, toàn ngành đã tổ chức sản xuất, khai thác tối đa dư địa trên các lĩnh vực để bù đắp thiệt hại, khôi phục tăng trưởng; thực hiện tốt công tác thủy lợi, quản lý đê điều, hồ đập, dự tính dự báo, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp.

Sở Công Thương kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp
 

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 12,19% so với cùng kỳ năm trước và động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là ngành sản xuất và phân phối điện do năm nay có thêm 17 dự án điện gió mới đưa vào vận hành thương mại. Song, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào, giá nhiên liệu tăng cao tạo áp lực lên giá thành, năng lực cạnh tranh, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như dệt, sản xuất, chế biến thực phẩm, khai khoáng, xi măng, gạch, đá xây dựng, chế biến thủy hải sản. Trên lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt hơn 17.677 tỷ đồng, tăng 13,16% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,24%. Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy nhanh việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp để tăng sức đóng góp của các doanh nghiệp cho nền kinh tế. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành các dự án điện gió, điện mặt trời, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khác để tiếp tục thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư. Cùng với đó, rà soát kết nối các  sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế, tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại, dịch vụ, đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán.
Về kế hoạch đầu tư công năm 2022 tổng nguồn vốn được giao là 3.874 tỷ đồng, đến ngày 28/8, tổng giá trị giải ngân hơn 1.174 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm là do thời gian giao vốn năm 2021 chậm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới dài, năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, hiện nay UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh nếu không thực hiện và giải ngân hết số vốn bố trí hay bị cắt giảm, thu hồi.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư tại Quảng Trị
 

Nhiệm vụ quan trọng từ nay đến cuối năm đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng, chủ động đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án ODA chậm, giải ngân sang dự án có tiến độ tốt, còn thiếu vốn và ưu tiên bố trí đủ vốn cho các hiệp định kết thúc năm 2022, 2023.
Ngoài ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án năng lượng, dự án công nghiệp trên địa bàn để sớm đưa vào hoạt động, cơ cấu lại, phục hồi và phát triển thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án động lực, có tính kết nối, lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp và công trình giao thông quan trọng./.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bá Thuần

More