Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 2

Tổng lượt truy cập: 1.535.045

Tạo điều kiện để hoạt động thương mại biên giới phát triển

Trung tâm thương mại Lao Bảo. Ảnh: TT

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại trên địa bàn biên giới của tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn, nhất là sức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân và thương nhân biên giới, chợ biên giới Việt Nam- Lào giảm sút nhiều. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển thương mại trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới tỉnh, 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động thương mại biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savannakhet và Salavan (nước CHDCND Lào) giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực cạnh tranh về xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực vào thị trường Lào, Thái Lan còn hạn chế. Hàng nhập khẩu qua cửa khẩu về Quảng Trị chủ yếu là gỗ nhưng lại gặp khó khăn do Chính phủ Lào không chủ trương xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm

Bên cạnh đó, hàng Việt Nam tại thị trường Lào khả năng cạnh thấp, giá cả một số mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp như: cà phê, cao su, chuối giảm. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới và thương nhân ổn định sản xuất, đẩy mạnh việc trao đổi mua bán qua biên giới; chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh tạo mọi điều kiện cho thương nhân đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, bình ổn thị trường. 

Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh đạt 82.466.881,28 USD, giảm 63.486.995,02 USD, tương ứng giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2015. Hàng xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, hàng bách hóa tổng hợp và vật liệu xây dựng. Hàng nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng gỗ các loại (từ tháng 5/2016 đến nay ngừng nhập), cà phê, cao su, thạch cao… Về xuất nhập cảnh hành khách trong 6 tháng đầu năm 2016 có 374.167 lượt khách, tăng 9.526 lượt khách so với 6 tháng đầu năm 2015. Về phương tiện vận tải, có 49.398 lượt qua về Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay, tăng 5.816 lượt phương tiện so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới chủ yếu là thông qua hình thức trao đổi, mua bán hàng hóa và các chợ biên giới nhưng với quy mô nhỏ, tính chất, mức độ đơn giản. Trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động thương mại biên giới của tỉnh giảm do giá cả hàng hóa một số mặt hàng nông sản giảm nên việc trao đổi, mua bán của cư dân và thương nhân biên giới cũng giảm theo. Khối lượng sản phẩm hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân và thương nhân của 2 nước Việt Nam-Lào cũng như giữa các tỉnh Quảng Trị - Savannakhet và Salavan chủ yếu tập trung qua 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay. Việc trao đổi, mua bán các sản phẩm hàng hóa qua các cửa khẩu phụ vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu là trao đổi một số mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Hàng từ Việt Nam sang Lào chủ yếu là mì ăn liền, bột ngọt, xà phòng, gạo, muối…; hàng từ Lào về Việt Nam chủ yếu là sắn, cà phê, măng, chuối và một số mặt hàng lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên. Sức mua của cư dân biên giới tăng chậm, đặc biệt là lượng khách du lịch, tham quan đến Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo giảm mạnh nên việc mua sắm cũng giảm theo, tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại của tỉnh. Hoạt động thương mại của cư dân và thương nhân biên giới một số vẩn theo hình thức xuất nhập khẩu tiểu ngạch nên chưa thể thống kê và tổng hợp chính xác kim ngạch hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới và thương nhân qua các Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay và cửa khẩu phụ do chưa có lực lượng chuyên trách quản lý, theo dõi. Mặt khác, một số mặt hàng của Việt Nam nếu mở tờ khai xuất khẩu thì phía nước bạn Lào đánh thuế cao, vì vậy cư dân thường kê khai không đúng mặt hàng, số lượng, giá trị. 

Bên cạnh đó, tình hình hoạt động các chợ trên địa bàn biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do sức mua của nhân dân vùng này thấp. Lượng khách du lịch đến tham quan cũng giảm mạnh, trong đó có một phần nguyên nhân do sự cố ô nhiễm môi trường biển. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới Việt - Lào, khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vẫn còn diễn ra. Các đối tượng lợi dụng cơ chế xuất khẩu hàng từ trong nước sang Lào được hoàn thuế và hàng do nước ngoài sản xuất để xuất quá cảnh qua Lào như: rượu ngoại, bia Heniken, sữa Ensure... sau đó tìm cách thẩm lậu về Việt Nam tiêu thụ. Hoạt động buôn lậu hàng hóa từ Lào về Việt Nam diễn ra chủ yếu ở sông Sê pôn. Hàng hóa thẩm lậu vào nội địa chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu ngoại, bia, nước giải khát, gạo nếp, đường kính trắng, mỳ chính, sữa Ensure… Trên tuyến biên giới Việt - Lào khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay, hoạt động xuất nhập cảnh phương tiện qua cửa khẩu có chiều hướng tăng so cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ và xử lý 1.583 vụ, trong đó buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu 767 vụ, gian lận thương mại 804 vụ, hàng giả 12 vụ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm 24.447,724 triệu đồng; xử lý vi phạm hành chính và truy thu thuế 24.121,513 triệu đồng; tổng giá trị hàng hóa vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính 48.569,237 triệu đồng. 

Để hoạt động thương mại biên giới diễn ra an toàn, hiệu quả, thời gian tới, các đơn vị, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân trong hoạt động xuất nhập khẩu và trao đổi, mua bán của cư dân biên giới. Áp dụng có hiệu quả hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS trong việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan và quản lý, giám sát, kiểm soát hải quan. Các bộ, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ thuộc địa bàn nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2016 - 2020. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho thương nhân phát triển sản xuất- kinh doanh, tổ chức mạng lưới thu mua sản phẩm hàng hóa, bán hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân vùng biên giới. Tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Cửa khẩu quốc tế La Lay và cơ sở vật chất trong vùng quy hoạch nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và du lịch của 2 nước Việt Nam - Lào phát triển. Tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin về lĩnh vực đầu tư, lao động, chính sách ưu đãi, quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại du lịch đối vớ i các tỉnh biên giới của nước bạn Lào, phối hợp tổ chức khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Hành lang kinh tế Đông-Tây. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Trị tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh sản xuất tại 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào). Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân đầu tư xây dựng các cửa hàng, quầy hàng, điểm thu mua hàng tại các xã biên giới. 

Nguồn tin: Theo Báo Quảng Trị

More