Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 56

Tổng lượt truy cập: 1.634.014

Kịp thời triển khai công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2024

Siêu thị Co.opmart Đông Hà

Năm nay, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan và dị thường nên dự báo sẽ có diễn biến thiên tai khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều tập trung vào nửa cuối năm. 

Nhận định được tình hình phức tạp của thời tiết, nên sau khi nhận được Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 28/3/2024 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Sở Công Thương đã chủ động tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1681/QĐ-UBND ngày 11/7/2024 về việc trích tạm ứng kinh phí để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh 2024. Tổng kinh phí UBND tỉnh tạm cấp để thực hiện phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 4.519.950.000 đồng, trong đó Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị là 1.722.500.000 đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà là 2.797.000.000 đồng.

Nhằm cung ứng đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm... phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra, làm ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng sinh hoạt của nhân dân; đồng thời xây dựng phương thức dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa để điều động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai chia cắt các vùng dân cư trong tỉnh, Sở Công Thương cũng đã xây dựng Phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2024 gửi các địa phương, cơ quan đơn vị liên quan. Theo đó, Sở Công Thương đề nghị:

(1) UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động xây dựng phương án tổ chức dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; Đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập hệ thống kho chứa hàng hoá; chuẩn bị các phương tiện vận tải, thiết bị... để kịp thời sửa chữa, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Đồng thời định hướng cho các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn chủ động tăng nguồn hàng dự trữ trong kho, hoặc tại hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ ở trung tâm các huyện và cụm xã ở những vùng sâu vùng xa, những khu vực dễ bị chia cắt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt là khu vực hay xảy ra ngập úng, bị chia cắt cục bộ trong mùa mưa lũ; Tích cực phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường phụ trách địa bàn và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường; Trường hợp khi cần thiết, nếu hàng hóa, lương thực thiết yếu bị thiếu hụt cục bộ không đáp ứng đủ tại địa bàn thì kịp thời có văn bản đề xuất gửi về Sở Công Thương để Sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức điều phối hàng hóa, đảm bảo không để thiếu hàng cục bộ gây “sốt giá” ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. 

(2) Đối với Các doanh nghiệp được phân công thực hiện dự trữ hàng hóa là Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị được phân công có trách nhiệm: Đảm bảo hàng hóa dự trữ theo phương án, mặt hàng, số lượng và kinh phí được duyệt, các mặt hàng dự trữ bao gồm Mỳ ăn liền, gạo, đường, dầu ăn, nước mắm, xì dầu, sữa tươi, lương khô và Nước uống đóng chai; Chủ động xây dựng phương án cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo địa bàn được phân công khi có yêu cầu, đặc biệt lưu ý đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị ngập lụt, chia cắt; Xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về con người, phương tiện và hàng hóa để kịp thời cung ứng, xử lý các điểm nóng của thị trường khi có yêu cầu theo địa bàn được phân công. Việc xây dựng phương án cần đặc biệt chú ý đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt bị chia cắt.

Bán hàng bình ổn tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà

 

 Sở Công Thương phân công địa bàn đối với Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phục vụ ứng cứu khi có yêu cầu đối với địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà phục vụ ứng cứu khi có yêu cầu đối với địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Trong trường hợp có địa phương (không theo địa bàn được phân công) cần huy động số lượng hàng lớn, hai đơn vị sẽ cùng tập trung cung ứng khi có yêu cầu; Trong trường hợp xảy ra thiên tai, doanh nghiệp phải tổ chức điều chuyển, xuất bán hàng hóa dự trữ để phục vụ công tác cứu trợ phòng chống lụt bão theo chỉ đạo của UBND tỉnh; Thời gian dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2024 được thực hiện từ ngày 01/8/2024 đến ngày 20/12/2024.

Bài và ảnh: Lê Huyền, Sở Công Thương Quảng Trị

Bài viết liên quan