Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 766

Tổng lượt truy cập: 1.617.883

Ngành Công Thương với công tác nâng cao chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” góp phần cải thiện chỉ số PCI tỉnh Quảng Trị

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được thiết kế nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là chỉ số được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; lần đầu tiên được công bố vào năm 2006, đến nay Chỉ số PCI đã trải qua 17 lần công bố và đã trở thành một chỉ số quan trọng và ngày càng khẳng định vai trò của mình. Qua mỗi lần công bố, chỉ số PCI đã cung cấp cho lãnh đạo các địa phương trong cả nước thấy được các ưu điểm và đặc biệt là các hạn chế cần phải cải thiện để nâng cao năng lực điều hành của từng địa phương, cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Tại Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về Ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương được giao chủ trì, theo dõi thực hiện chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, trong đó có 10/24 chỉ tiêu do Sở Công Thương trực tiếp chủ trì theo dõi, thực hiện. Tuy vậy, theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2021, các chỉ tiêu của Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” đã có sự thay đổi cơ bản so với các năm trước đây. Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” với 24 chỉ tiêu đã được đổi sang Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” với 13 chỉ tiêu. Ngày 20/10/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2419/QĐ-UBND về việc điều chỉnh bổ sung phụ lục phân công nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2142/QĐ-UBND; theo đó, Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” mới với 13 chỉ tiêu vẫn tiếp tục được giao Sở Công Thương chủ trì.

Xác định công tác Hỗ trợ doanh nghiệp là hoạt động cơ bản nhằm góp phần vào việc nâng cao chỉ số PCI; thời gian qua, ngành Công Thương Quảng Trị đã chủ động, tập trung thực hiện nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết nhanh, đầy đủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm góp phần cùng tỉnh cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Lãnh đạo Sở đã luôn nỗ lực thay đổi chất lượng điều hành, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời nhận diện, tháo gỡ khó khăn; giúp DN ổn định và phát triển hoạt động SXKD. Tuy vậy, giai đoạn 2021 -2022, do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và đại dịch COVID-19 nên phần lớn các chỉ số thành phần của tỉnh đều có xu hướng bị tác động.

Lãnh đạo Sở Công Thương đã chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác kinh doanh như kết nối cung cầu, tham gia hội chợ, tham gia giới thiệu, triển lãm, trưng bày sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm kết nối đưa vào siêu thị, các chuỗi bán lẻ. Hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh với các thị trường, các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài như kết nối doanh nghiệp với thị trường Âu Mỹ, thị trường Halal, thị trường Trung Quốc, thị trường Hàn Quốc…Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Vietnem Expro ; tổ chức hoạt động kết nối cung cầu đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh vào siêu thị Coopmart. Xây dựng phần mềm giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Trị; Nâng cấp và vận hành Sàn thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị; Hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia các sàn TMĐT uy tín trong nước. Tham mưu công tác phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng ký danh sách doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Bưu chính Viettel; Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc cung cấp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Quảng Trị đăng ký tham gia xúc tiến bán hàng trên nền tảng hỗ trợ xuất khẩu ECVN và các nền tảng do Cục hợp tác với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức.

Giai đoạn 2021-2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid – 19, nhất là hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu vì thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp Quảng Trị là Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Hầu hết các quốc gia này đã thực hiện các biện pháp rất nghiêm ngặt nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid – 19. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã tăng cường chỉ đạo việc cập nhật sự thay đổi chính sách ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc với Trung Quốc, tình hình hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, nhất là các cửa khẩu Quốc tế với Lào, Trung Quốc; kịp thời và thường xuyên cung cấp các thông tin này cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách chủ động và phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Đường 9 và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên EWEC. Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc bắt đầu từ năm 2022 theo quy định mới. Tham mưu Lãnh đạo UBND tỉnh xử lý đề xuất của thương nhân về việc thu mua nông sản qua cửa khẩu phụ, lối mở trong thời điểm dịch Covid - 19.

Để tăng cường công tác hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, lãnh đạo Sở đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 1718/KH-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Kế hoạch số 4156/KH-UBND ngày 11/9/2020 Thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) của tỉnh Quảng Trị; Báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Tích cực triển khai thực hiện Biên bản hội nghị hợp tác giữa 3 tỉnh: Quảng Trị-Savannakhet-Mukdahan. Thường xuyên cử cán bộ và mời các doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối ngoại trực tuyến do Bộ Ngoại giao và các Bộ, ban, ngành TW tổ chức. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án khảo sát, đánh giá nhu cầu vận chuyển và thu gom hàng hóa của các DN, đề xuất giải pháp phát triển DV Logistics của tỉnh Quảng Trị.

Sở Công Thương (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tạo thuận lợi thương mại tỉnh Quảng Trị) đã chủ trì, phối hợp với Dự án USAID TFP, Tổng Cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu tổ chức “Hội thảo đào tạo chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp” nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp địa phương, thành viên Ban chỉ đạo Ban tạo thuận lợi thương mại và Hải quan tỉnh Quảng Trị về những lo ngại chính liên quan đến gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Những kết quả trên đây phần nào đã nói lên những nỗ lực đóng góp của ngành Công Thương vào việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Tuy nhiên, nếu đối chiếu chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” vào bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh thì vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Do đó, mục tiêu cơ bản của năm 2023 và thời gian tới là tập trung cải thiện điểm số của từng chỉ tiêu cụ thể, nhất là các chỉ tiêu có yếu tố quyết định đến vị trí xếp hạng của Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”. Trong thời gian tới, Ngành Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung hoạt động cụ thể như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật, cung cấp thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội thảo, Hội nghị giao thương trực tuyến, Chuỗi phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài do Cục XTTM phối hợp với các Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài như: Hội thảo APEC về khắc phục các trở ngại khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Hội nghị giao thương trực tuyến giữa các DN Việt Nam và các đối tác trên thế giới…

- Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 2948/QĐ-BCT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương với 01 đề án gồm 02 đơn vị thụ hưởng, tổng kinh phí hỗ trợ là 600 triệu động. Trong hoạt động khuyến công địa phương, đã hỗ trợ cho 22 đề án với tổng kinh phí khuyến công là 2.760 triệu đồng. Trong đó gồm 01 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới và 21 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các đề án đã thực hiện đúng nội dung được phê duyệt, đáp ứng tiến độ đề ra và góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời tháo gỡ một phần khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

- Chỉ đạo triển khai thực hiện 02 Đề án thuộc Chương trình XTTM tỉnh do Sở Công Thương chủ trì, cụ thể: Đề án: “Tổ chức hoạt động hỗ trợ kết nối sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh vào các siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2023”; đến nay đã có 26 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa 7 nhà phân phối, tiêu thụ với các DN sản xuất, cung ứng trên địa bàn, trong đó có 5 lượt ký kết giữa Siêu thị Co.opmart Đông Hà và các DN sản xuất, cung ứng. Hiện tại, Sở Công Thương đã tiến hành lựa chọn hỗ trợ xây dựng và phát triển hoàn thiện sản phẩm cho một số sản phẩm của 2 DN để kết nối tiêu thụ vào siêu thị Co.opmart Đông Hà. Đề án: “Tổ chức các Đoàn doanh nghiệp tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước do Bộ Công Thương tổ chức năm 2023”; đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức 02 Đoàn DN tỉnh tham gia: Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại TP Đà Nẵng và Hội nghị kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế với hàng chục lượt DN tham gia; 5 lượt ký kết giữa các doanh nghiệp cung ứng của tỉnh với Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc (An Giang), Công ty TNHH Thực phẩm và nước giải khát TONASIA (TP Hồ Chí Minh).

- Tham mưu Ban Chỉ đạo Tạo thuận lợi thương mại tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện các nội dung trong KH triển khai các hoạt động của Ban năm 2023. Tham mưu công tác chỉ đạo hỗ trợ DN trong việc triển khai thực hiện các Hiệp định TM tự do nói chung, trong đó có Hiệp định CPTPP và EVFTA. Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn của tỉnh Quảng Trị. Tham mưu công tác ký kết và thực hiện Biên bản hội nghị hợp tác giữa 3 tỉnh: Quảng Trị-Savannakhet-Mukdahan; Biên bản hội nghị cấp cao tỉnh Quảng Trị - Savannakhet; Quảng Trị - Salavan. Tổ chức ký kết và chỉ đạo thực hiện Biên bản hội nghị hợp tác phát triển ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet. Phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Khu KTTM xuyên biện giới Lao Bảo – Densavan; Đề án "Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani".

Với tâm huyết, nỗ lực đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm mời gọi được nhiều hơn nữa những doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư SXKD trên địa bàn tỉnh, hy vọng Quảng Trị sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Nguyễn Đình Trâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương

Bài viết liên quan