Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 515

Tổng lượt truy cập: 1.618.472

Ngành Công Thương Quảng Trị - 70 năm xây dựng và phát triển

Trong chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, đáp ứng từng giai đoạn phát triển của đất nước; qua các giai đoạn khác nhau, với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi của ngành có sự thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, ngành Công Thương vẫn là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, khẳng  định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, góp phần vào thành công của cách mạng Việt Nam và sự nghiệp đổi mới - xây dựng và phát triển đất nước.

Những mốc son lịch sử của Ngành Công Thương Việt Nam 


Những mốc son lịch sử của Ngành Công Thương Việt Nam 

Bốn ngày trước ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, ngày 28/8/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo về nội các thống nhất quốc gia, trong dó có Bộ Kinh tế (phụ trách Sở kinh tế, nha thương vụ, nha tiếp tế, nha khoáng chất và kỹ nghệ).

Ngày 13/10/1945, ngay sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời được một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Trong thư Bác nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Chín năm sau đó, ngày 14/5/1951, trước yêu cầu của lịch sử, Người đã ký Sắc lệnh 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đây, ngành Công Thương Việt Nam bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình.

Từ tháng 9/1955 để phù hợp yêu cầu phục vụ kháng chiến và xây dựng CNXH trong từng giai đoạn lịch sử, Bộ Công Thương đã được chia tách, sáp nhập thành nhiều Bộ và cơ quan ngang Bộ với tên gọi khác nhau: Bộ Công nghiệp, Bộ thương nghiệp, Bộ thuỷ lợi và điện lực, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương, Tổng cục địa chất, Tổng cục Vật tư, Bộ Điện và than, Bộ Cơ khí và luyện kim, Tổng cục hoá chất, Bộ Vật tư, Tổng cục dầu mỏ và khí đốt, Bộ điện lực, Bộ mỏ và than, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Năng lượng, Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Thương mại…

Ngày 31/7/2007, Quốc hội khoá 12 đã thông qua Nghị quyết 01/2007/QH12 trong đó tái lập Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Bộ Công nghiệp và một bộ phận Bộ Thương mại - Du lịch.

Để khẳng định và phát huy vai trò, truyền thống ngành Công thương, ngày 02/10/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
Trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập tự do cho dân tộc, ngành Công Thương đã lập nhiều chiến công hiển hách, phục vụ đắc lực cho chiến đấu và xây dựng hậu phương lớn. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” lớp lớp cán bộ công nhân viên ngành Công Thương đã lao động quên mình và anh dũng hy sinh góp phần viết nên những trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ 20.

Bước sang thời kỳ cả nước xây dựng CNXH, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trăn trở với những khó khăn của đất nước và ý thức được trách nhiệm của mình, ngành Công Thương luôn đi đầu trong sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và thực sự trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước.

Lịch sử và truyền thống Ngành Công Thương Quảng Trị

Gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương Quảng Trị đã sớm ra đời vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ tổ chức tiền thân là “Ban Kinh tài Quảng Trị”, sau nhiều lần đổi tên theo yêu cầu của nhiều thời kỳ, từ tháng 5/2008 đến nay  Sở đã chính thức mang tên Sở Công Thương Quảng Trị.

Ở mỗi thời kỳ khác nhau, ngành Công Thương Quảng Trị luôn phát huy tinh thần tiên phong, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thời kỳ kháng chiến, ngành Công Thương Quảng Trị đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tiếp tế chi viện cho chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Thời kỳ tái lập tỉnh đến nay, ngành Công Thương luôn nỗ lực phát triển, khẳng định vị trí trụ cột kinh tế địa phương.
Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 11,27%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 11,42%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước trong cùng thời kỳ. Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn có bước phát triển. Tỉnh đã chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng.

Xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực then chốt, đột phá, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp các ngành trong xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 53 dự án được quy hoạch với tổng công suất 4.746MW (trong đó 14 dự án tổng công suất 377MW đã đưa vào vận hành, 40 dự án tổng công suất 2.959MW đang triển khai đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư); trên 70 dự án tổng công suất  khoảng 10.700MW đã  được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương xem xét đưa vào quy hoạch trong thời gian tới.
Trong năm 2020, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là Đại dịch covid, bão lũ lịch sử, song công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư các dự án phát triển năng lượng vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng; có thêm 02 dự án điện mặt trời với 100MWp, 01 dự án thủy điện 15MW đi vào họat động; Đặc biệt, đã có hàng chục dự án điện gió đã đồng loạt triển khai xây dựng dự kiến sẽ có thêm  trên 500MW phát điện trong năm 2021; Dự án Trạm 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo; Dự án Nâng tiết diện đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo đang khẩn trương triển khai để giải tỏa nguồn điện sản xuất trên địa bàn. Với sự đột phá trong phát triển năng lượng, mở ra triển vọng đưa tỉnh Quảng Trị sớm trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung.

Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trong tỉnh đã và đang ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 03 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 760 ha; 02 Khu công nghiệp Triệu Phú và VSIP 8 với tổng diện tích trên 1.010 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang thực hiện thủ tục đầu tư; 17 cụm công nghiệp, với tổng diện tích  527,5 ha, đã thu hút được khoảng 137 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 2.941 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp. Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đầu tư kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đón đầu sự phát triển trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để từng bước hình thành khu kinh tế cửa khẩu nối liền với Khu Kinh tế Đông Nam và Cảng nước sâu Mỹ Thủy. Trên địa bàn, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng… tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, làm thay diện mạo đô thị. Mạng lưới điện đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn ở khu vực đất liền. Số hộ dân sử dụng điện cao hơn mặt bằng chung cả nước.
Vượt qua khó khăn, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 10,07%. Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu khá sôi động. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 30.959 tỉ đồng, tăng gấp 3,9 lần so với năm 2015. Hoạt động thương mại có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô, thị trường, hạ tầng kỹ thuật. Doanh nghiệp thích ứng nhanh với cơ chế mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chú trọng triển khai thực hiện. Chương trình phát triển sản phẩm OCOP, kết nối vào siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ từng bước hình thành. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.339 triệu USD, vượt 15,41% so với mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Cơ sở hạ tầng thương mại có bước phát triển nhất định, hệ thống chợ tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều siêu thị, cửa hàng cửa hiệu văn minh hiện đại ra đời, làm thay diện mạo đô thị. Tính đến nay, trên địa bàn có 78 chợ (trên tổng số 108 chợ được quy hoạch); Hệ thống cửa hàng xăng dầu phát triển rộng khắp với 119 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động.
Lĩnh vực hoạt động ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 1.339 triệu USD, vượt 15,41% so với mục tiêu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, tinh bột sắn, sản phẩm bằng gỗ, hàng nông sản và các hàng hóa khác. Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 949 triệu USD.

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương trên địa bàn tỉnh được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Các quy hoạch ngành, chuyên ngành được quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện, nhiều chính sách ngành tham mưu được triển khai có hiệu quả. Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại góp phần tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, đảm bảo thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Tiếp tục phát huy thế mạnh

Ghi nhận những đóng góp của ngành với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp đổi mới của đất nước, sau hơn 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành Công Thương Quảng Trị đã có nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý. Trong đó, Sở Công Thương Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2009; Huân chương Lao động hạng Hai vào năm 2016, nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Năm 2020, Sở Công Thương Quảng Trị được Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với mục tiêu khát vọng phát triển đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta trên đà hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới; giai đoạn đất nước huy động mọi nguồn lực và động lực để phát triển nhanh, bền vững đã đặt ra cho ngành Công Thương chúng ta nhiều cơ hội mới nhưng cùng với đó cũng không ít khó khăn, thách thức.

Ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành, chúng ta trân trọng và tự hào về những đóng góp to lớn và sự  hy sinh của các thế hệ cán bộ, công nhân viên lao động ngành Công Thương trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Phát huy những thành tích đã đạt được, với niềm tin và khát vọng về một quê hương Quảng Trị mạnh giàu, trên chặng đường tiếp theo ngành Công Thương Quảng Trị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vững bước cùng quê hương trên con đường phát triển./.

Tác giả bài viết: Đ/c Lê Quang Vĩnh-Giám đốcSở Công Thương Quảng Trị

Bài viết liên quan