Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 226

Tổng lượt truy cập: 1.628.559

Điện mặt trời áp mái - lựa chọn hợp lý trong phát triển năng lượng tái tạo

 

Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết, nước ta có khá dồi dào các nguồn năng lượng tái tạo như phát triển các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện từ nhiên liệu sinh khối (củi, rơm rạ, trấu bã mía), điện từ khí sinh học (các hầm ủ phân động vật,...). Các nguồn này, ngoài ưu điểm có thể tái sinh lâu dài, còn góp phần đáng kể vào hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải ô nhiễm. Chúng đang được nhiều nước khai thác, sử dụng với mục tiêu phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt tiềm năng bức xạ mặt trời nước ta rất lớn, ước tính tiềm năng kỹ thuật để phát triển điện mặt trời ở Việt Nam có thể lên tới gần 340.000 MWp.

Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ, có số giờ nắng trung bình khoảng 2.200÷2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ ổn định cao trung bình khoảng gần 4,5÷5 kWh/m²/ngày, với nắng quanh năm, là nguồn tài nguyên to lớn trong quá trình phát triển bền vững các dự án điện năng lượng mặt trời.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có một nhà máy điện năng lượng mặt trời LIG-Quảng Trị với công suất 49,5MWp do Công ty Cổ phần LICOGI 13 làm Chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2019. Đang triển khai xây dựng 02 dự án Điện năng lượng mặt trời Gio Thành 1 với công suất 50MW do Công ty Cổ phần Năng lượng Gio Thành làm chủ đầu tư và dự án Điện năng lượng mặt trời Gio Thành 2 với công suất 50MW do Công ty Cổ phần Đầu tư SECO làm chủ đầu tư và theo đề nghị của các Nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp chủ trương cho nghiên cứu 18 dự án với tổng công suất 1.570 MW và đề nghị Bộ Công Thươn xem xét, bổ sung quy hoạch theo quy định; Trong đó có các dự án điện mặt trời nỗi trên các hồ thủy lợi như hồ Bảo Đài, hồ Hà Thượng, Trúc Kinh, hồ Ái Tử, hồ Triệu Thượng…

Sản xuất điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) hòa lưới hộ gia đình và doanh nghiệp là một hướng sản xuất hiệu quả nhờ vốn đầu tư thấp và hình thức đầu tư mang tính xã hội hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có 94 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới đã hoàn thành lắp đặt và đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất lắp đặt là 1.176,05 kWp. Công ty Điện lực Quảng Trị là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái hòa lưới, đã lắp đặt trên mái tất cả các nhà điều hành sản xuất với 19 hệ thống, tổng công suất lắp đặt là 532,35 kWp. Các tổ chức, hộ gia đình đầu tư lắp đặt 75 hệ thống, với tổng công suất lắp đặt là 643,7 kWp.

Điện mặt trời được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy (đối với những mái nhà có sẵn)... với quy mô vài kW tới cỡ dưới 1 MW được gọi là ĐMTAM, nguồn ĐMTAM có cấu tạo khá đơn giản: các tấm pin mặt trời thông dụng có công suất môdul panel khoảng trên 350 -:- 470 Wp được thiết kế kiểu panel với kích thước 1956 x 992 x 50 mm, diện tích khoảng trên 1,9 m2. Quang năng từ mặt trời sẽ qua tấm panel chuyển hóa thành dòng điện một chiều. Tấm panel được nối qua đường cáp tới bộ chuyển đổi dòng một chiều - DC sang dòng xoay chiều - AC, sau khi được điều chỉnh về tần số 50 Hz và nâng lên điện áp hạ áp (380V), hoặc trung áp (22kV) và đảm bảo các thông số kỹ thuật khác, điện sẽ được đưa vào lưới điện công cộng hoặc/ và cung cấp cho tiêu dùng trong nhà.

Nếu ta có diện tích mái nhà khoảng 20 m2 thì có thể lắp đặt được 10 panel pin mặt trời, công suất điện cực đại thu được khoảng trên 4 kWp, đủ dùng cho các thiết bị điện thông dụng trong một gia đình. Diện tích mái rộng bao nhiêu thì có thể lắp đặt được công suất lớn bấy nhiêu.
 

Mô hình Điện mặt trời áp mái hòa lưới của hộ gia đình tại thành phố Đông Hà – Ảnh: ĐT

Điện mặt trời áp mái hòa lưới là loại hình nguồn điện có nhiều ưu điểm so với mô hình ĐMT tập trung, cụ thể: là không tốn diện tích đất do ĐMTAM được lắp đặt trên mái nhà, các vị trí đã được xây dựng và sử dụng vào mục đích hữu ích khác; ĐMTAM giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình hiện hữu, nhất cử lưỡng tiện; Vì ĐMTAM có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải tốn kém;  ĐMTAM được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, trong khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân. Hiện mô hình phát điện phân tán đang được khuyến khích phát triển còn có mục đích làm giảm bớt quy mô các trung tâm nguồn điện, giảm nguy cơ khi sự cố ở trung tâm nguồn điện lớn sẽ gây thiếu hụt lượng công suất lớn, gây sụt điện áp, tần số lưới điện và có thể rã lưới; và ĐMTAM với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa - huy động các nguồn vốn phát triển nguồn điện, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Đối với mô hình điện mặt trời áp mái kết hợp các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bên dưới làm nông nghiệp còn bên trên thì lợp pin mặt trời, vừa sản xuất điện phục vụ chính nhu cầu của trang trại, vừa bán điện lên lưới tạo thêm nguồn cấp cho lưới điện quốc gia. Không như điện mặt trời mặt đất (ground – mounted) chỉ sản xuất và bán điện lên lưới đơn thuần, thì điện mặt trời kết hợp làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra lợi ích kép. Với diện tích đất bình quân 1 héc ta, có thể đầu tư gần 1MWp điện mặt trời lắp trên 6.000m2 nhà kính hoặc mái nhà trang trại để làm nông nghiệp bên dưới như trồng nấm, trồng rau hoặc các loại cây phù hợp, hoặc nuôi bò cao sản, nuôi gà, nuôi heo, nuôi dế…; Với thời gian xây dựng nhanh (dưới 2-3 tháng), công trình được đưa vào sử dụng ngay sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và rút ngắn thời gian hoàn vốn của các công trình điện mặt trời trên mái nhà. Với giá bán điện là 8,38 UScents/kWh, thời gian hoàn vốn trung bình của một dự án vào khoảng 5-6 năm. Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả, do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới, đồng thời việc lắp đặt các tấm pin mặt trời còn giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh. Về lâu dài, chủ đầu tư có thể có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng dư, phát ngược lên lưới điện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể muốn triển khai thực hiện mô hình này cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Dự án ĐMTAM là dự án điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của côn trình xây dựng và có công suất không quá 01 MWp (hoặc không quá 1,2 MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống, căn cứ Điều 3 Luật Xây dựng 2014 xác định: Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác”. Công trình xây dựng phải kiên cố được sử dụng cho mục đích chính khác với mục đích sản xuất điện mặt trời. Chủ đầu tư dự án phải chứng minh mục đích của công trình xây dựng bằng việc cung cấp các hồ sơ, bản vẽ thiết kế hoặc giấy phép xây dựng hoặc các hồ sơ thủ tục có liên quan đến việc đầu tư xây dựng, hoạt động kinh tế…của công trình khi thỏa thuận đấu nối và đề nghị bán điện cho ngành điện.

Thứ hai, Do đây là một khoản đầu tư tính trên hơn 20-30 năm, do đó từ thiết kế nhà kính, khung giàn phải được tính toán đạt độ bền cao, cần phải được thiết kế chuyên nghiệp, chắc chắn, tránh rủi ro gió bão, lốc xoáy có thể gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Dây dẫn điện và thanh ray, bát kẹp nhôm và các phụ kiện khác cũng cần dùng loại chuyên dụng với độ bền ngoài trời trên 30 năm.

Thứ ba: Do các dự án này phải được bảo vệ chống mất trộm, và sau này nông nghiệp tưới tiêu gây ẩm ướt bên dưới, nên phần dây dẫn điện phải cách ly tốt, tốt nhất là đi âm và gom về 1 khu tập trung lắp đặt các bộ hòa lưới để bảo quản và bảo vệ.

Thứ tư: Do dự án làm ở các khu đất rộng, nên hệ thống bảo vệ tuyệt đối không nên cắt giảm, phải có đầy đủ bảo vệ quá dòng, ngắn mạch, chống sét từ tầng DC tới lan truyền AC…

Thứ năm: Các khách hàng cần vay vốn ngân hàng cũng cần có báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế chuyên nghiệp, được thi công bởi nhà thầu uy tín và sử dụng các thiết bị xuất xứ rõ ràng, để làm cơ sở thẩm định cho vay từ các ngân hàng sau này.
 

Một mô hình Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp Điện mặt trời áp mái hòa lưới – Ảnh: ĐT

 

Các dự án điện mặt trời áp mái được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều. Ngày 6/4/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Quyết định này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 để thay thế Quyết định 11/2017/ QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Việc thực hiện thanh toán tiền điện với giá mua điện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (giá mua điện được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày dự án vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ), cụ thể như sau:

- Từ ngày 01/7/2019 đến 31/12/2019, giá mua điện (chưa bao gồm  giá trị gia tăng) là 1.913 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2018 là 22.825 đồng/USD).

- Từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2020, giá mua điện (chưa bao gồm  giá trị gia tăng) là 1.940 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2019 là 23.155 đồng/USD).

- Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm  giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam (tính đến hàng đơn vị đồng, không làm tròn số) tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định rõ, xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, EVN đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt với Điện mặt trời áp mái; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký mua bán điện mặt trời áp mái trực tuyến.  Hiện nay, trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng của ngành Điện để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời. EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận với mọi thông tin liên quan về điện mặt trời áp mái trên các ứng dụng công nghệ thông tin và các website chăm sóc khách hàng ngành Điện.

Phát triển năng lượng tái tạo được tỉnh xác định là một trong những chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Trị. Những năm qua, tỉnh đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này với các dự án lớn về điện gió ở Hướng Hóa, điện mặt trời ở Gio Linh. Và một hướng sản xuất năng lượng tái tạo hiệu quả hơn đang được ngành Công thương tỉnh quan tâm triển khai thực hiện là phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới cho hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vì vậy, để phát triển chương trình năng lượng mặt trời áp mái năm 2020,  đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp tuyên truyền quảng bá về lợi ích của phát triển ĐMTAM; tổ chức các buổi hội thảo để cung cấp nhiều nội dung thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời. Cụ thể như tiềm năng bức xạ trên địa bàn tỉnh, các chính sách khuyến khích liên quan, hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện, cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; giới thiệu công nghệ - kỹ thuật lắp đặt và chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án điện mặt trời đã triển khai trong thực tế…Qua đó, giúp các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt các cơ chế khuyến khích phát triển, cơ chế tài chính, khả năng thu hồi vốn nhanh, quy trình vận hành cũng như tiện ích đem lại trong phát triển các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái hòa lưới nói riêng, góp phần tiến tới việc chủ động đảm bảo nguồn cung cấp điện quốc gia./.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Tùng, Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương

Bài viết liên quan