Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 261

Tổng lượt truy cập: 1.523.887

Phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Ảnh minh họa

Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. 

Mục tiêu tổng quát, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Về xuất khẩu, giai đoạn đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35%, đến năm 2030 đạt 40% và đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Trong đó, đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Chiến lược đề ra các chính sách thực hiện, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phù hợp với pháp luật về đầu tư và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhằm tạo động lực cho phát triển ngành cơ khí Việt Nam, kết hợp chặt chẽ với phát triển công nghiệp lưỡng dụng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước, xây dựng chuỗi sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí trong nước và chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất ngành cơ khí thế giới.

Đối với tỉnh, để phát triển ngành cơ khí trong thời gian tới, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp cơ khí, doanh nghiệp cơ khí phải nhận thức được việc tham gia vào chương trình cơ khí phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một cơ hội lớn để phát triển ngành vì thị trường sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn là vô cùng rộng lớn.

Khuyến khích phát triển ngành cơ khí theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất; chủ động liên doanh, liên kết để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắt xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần. Coi trọng, ưu tiên đầu tư phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn quy mô vừa và nhỏ. Huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ khí, nhất là thành phần kinh tế tư nhân. Chú trọng chế tạo máy nông cụ phục vụ nông nghiệp; hình thành hệ thống dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị; thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp để từng bước cơ khí hoá trong nông nghiệp. Tập trung các cơ sở sản xuất cơ khí lớn vào khu - cụm công nghiệp, chuyển dần cơ khí gia công thô ra khỏi nội thành, nội thị và quan tâm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường./.

Bài viết liên quan