Chi tiết - Sở Công Thương

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 165

Tổng lượt truy cập: 1.634.123

Đảm bảo bình ổn thị trường phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

.

Ngày 21/8/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1882/QĐ-UBND về tạm ứng kinh phí để thực hiện dự trữ hàng hoá phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh tạm cấp kinh phí 4,517 tỉ đồng cho hai doanh nghiệp được phân công dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Quảng Trị có yếu tố địa hình đặc biệt, chia thành 4 dạng địa hình là vùng núi cao, vùng trung du và đồng bằng; vùng cát nội đồng và ven biển. Vùng núi cao, độ dốc lớn, sông suối hẹp nên khi có mưa to thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông; vùng trung du, gò đồi chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, khi có mưa lớn thường xảy ra lũ ống, sạt lở đất; các xã, phường vùng thấp trũng, ven sông thuộc các huyện và thành phố Đông Hà thường xảy ra lũ lụt, ngập úng dài ngày khi lũ lụt, mưa to kéo dài ngày; các huyện vùng ven biển thường bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường. Với yếu tố địa hình như vậy nên tỉnh Quảng Trị hàng năm thường chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai, trong đó bão và lụt gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đời sống nhân dân. Do đó, việc xây dựng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác PCTT và TKCN luôn được Sở Công Thương Quảng Trị quan tâm chú trọng, chủ động tham mưu UBND tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/4/2023 của Bộ Công Thương về dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác PCTN và TKCN năm 2023, ngay từ tháng 7/2023 trước mùa mưa bão xảy ra, Sở Công Thương đã xây dựng, triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác PCTN và TKCN trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt khi có bão lụt xảy ra, nhu cầu tăng cao hoặc khi xảy ra biến động bất thường về giá cả, thị trường góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế, xã hội; chủ động kiểm soát, góp phần bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là đối với các trường hợp lợi dụng thiên tai để đầu cơ trục lợi, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Hai đơn vị được phân công nhiệm vụ bình ổn thị trường gồm Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà.

Một số mặt hàng nhu yếu phẩm tại Siêu thị Co.opmart thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà

Sở Công Thương đã xây dựng phương án và yêu cầu hai doanh nghiệp đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng; hàng hóa dự trữ phải đảm bảo ổn định giá cả, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; việc huy động hàng hóa cung ứng cho nhân dân vùng thiên tai phải đảm bảo kịp thời và đầy đủ về số lượng; khi xảy ra thiên tai, bão lụt, nhu cầu hàng hóa thiết yếu tăng cao hoặc khan hiếm hàng hóa, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công Thương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ, tham gia tích cực công tác bình ổn thị trường của tỉnh. Các đơn vị được phân công có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa dự trữ theo phương án được duyệt; chủ động xây dựng phương án cung ứng hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo địa bàn được phân công khi có yêu cầu, đặc biệt lưu ý đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị ngập lụt, chia cắt, cụ thể Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phục vụ ứng cứu khi có yêu cầu đối với địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà: Phục vụ ứng cứu khi có yêu cầu đối với địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà.

Trong trường hợp địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bị chia cắt, cô lập thì sẽ sử dụng phương án cung ứng tại chỗ của các huyện, thành phố. Trường hợp cần thiết, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các vùng xảy ra thiên tai, lụt bão, khan hiếm hàng hóa để đảm bảo bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thời gian thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ đầu tháng 9 năm 2023 đến ngày hết tháng 12 năm 2023. Các mặt hàng dự trữ bao gồm mì ăn liền 2,9 tỉ đồng, gạo tẻ đóng bao 1,5 tỉ đồng và nước uống tinh lọc 117 triệu đồng, số lượng hàng hoá được dự trữ tại kho của các đơn vị, tổng kho Saigon Co.op và kho hàng của các nhà cung cấp.

Với sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự tham mưu chủ động kịp thời của Sở Công Thương, chính quyền địa phương và cam kết dự trữ hàng hóa của các đơn vị được phân công dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường cũng như sự kiểm soát chặt chẽ về thị trường hàng hóa, các loại hàng hóa thiết yếu sẽ được cung ứng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ứng cứu thiên tai và phục hồi sản xuất khi mùa mưa bão đang đến gần.

Bài và ảnh: Lê Huyền, Sở Công Thương

Bài viết liên quan