Chi tiết - Sở Công Thương
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 52
Tổng lượt truy cập: 1.630.305
Đưa hàng Việt về nông thôn, lợi ích từ hai phía
Nhiều người dân đến mua sắm tại phiên chợ hàng Việt ở nông thôn
Nhằm quảng bá và vận động người dân trong tỉnh Quảng Trị ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng năm, được sự quan tâm chỉ đạo của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; Sở Công thương và chính quyền các địa phương, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt Nam sản xuất về phục vụ tại thị trường nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm những mặt hàng trong nước sản xuất phù hợp với mức sống của mình, đồng thời doanh nghiệp cũng có cơ hội mở rộng thị trường để phát triển sản xuất.
Người dân có cơ hội mua hàng Việt đúng chất lượng và giá cả
Liên tục những năm qua, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức mỗi năm từ 6- 8 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận mua sắm hàng hóa trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng mà còn nâng cao nhận thức và văn hóa tiêu dùng của người dân nông thôn, từ đó giúp họ thay đổi hành vi trong tiêu dùng, chú trọng, ưu tiên hơn dùng các sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất, dần dần hình thành tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt Nam trong người dân.
Phiên chợ hàng Việt đầu tiên của năm 2015 được tổ chức tại xã Gio An, huyện Gio Linh đúng vào dịp người dân đã gieo cấy xong vụ hè thu. Mặc dù mùa hè năm nay, thời tiết nóng bức hơn nhiều năm nhưng trong suốt 3 ngày diễn ra phiên chợ, ngày nào cũng thu hút đông đảo lượt người dân đến mua sắm.
Chị Hoa ở thôn An Nha, xã Gio An, Gio Linh tranh thủ đầu giờ tối đến phiên chợ mua nhiều đồ dùng thiết yếu hàng ngày cho gia đình. Chị cho biết: “Hàng hóa bán tại phiên chợ có nhiều loại mà bình thường ở chợ địa phương không bán như một số mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến, đồ gia dụng, giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, tôi mua nhiều hơn một chút để sau dùng dần. Đặc biệt, các loại áo quần may sẵn giá khá rẻ, kiểu dáng đẹp, chất liệu tốt nên thu hút nhiều khách hàng mua sắm. Điều quan trọng hơn là mua hàng tại các phiên chợ này không xảy ra trường hợp mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng hóa được bày bán ở đây đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn”.
Với quy mô từ 25- 30 gian hàng của khoảng 10-12 doanh nghiệp tham gia, mỗi phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức trong 3 ngày thu hút khoảng 3.000- 4.000 lượt người tham gia mua sắm, đạt doanh thu từ 300- 400 triệu đồng. Người dân đến đó không chỉ mua sắm mà còn được tham gia các trò vui chơi, giải trí tạo tinh thần thoải mái sau một ngày lao động mệt nhọc. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua sản phẩm còn được nhận quà khuyến mại của doanh nghiệp. Nhờ vậy, thu hút hơn sự quan tâm mua sắm của người dân từ các phiên chợ hàng Việt. Người dân nông thôn cũng ngày càng tin dùng hơn vào hàng Việt Nam chất lượng cao thay thế dần cho nhiều hàng ngoại nhập kém chất lượng.
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng thị trường
Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, các đơn vị tham gia đưa hàng Việt về nông thôn đã chuẩn bị lượng hàng hóa khá dồi dào với phong phú chủng loại như hàng thực phẩm đã qua chế biến, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa… Siêu thị Co.opmart Đông Hà là đơn vị đã tham gia hầu hết các lần tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với quy mô lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 quy mô phiên chợ. Nhờ chuẩn bị lượng hàng nhiều, phong phú chủng loại, đảm bảo chất lượng, giá cả rẻ hơn hàng cùng loại từ 5- 10% so với thị trường nông thôn nên siêu thị lúc nào đạt doanh số bán ra cao và thường phiên chợ sau đạt doanh thu tăng cao hơn phiên chợ trước. Sở dĩ có được kết quả như vậy là nhờ thông qua các phiên chợ này, Siêu thị Co.opmart Đông Hà đã nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu hàng hóa của địa phương để bổ sung những sản phẩm phù hợp vào hệ thống kinh doanh của mình.
Tham gia các phiên chợ, ngoài lý do tăng doanh số bán hàng, các doanh nghiệp có điều kiện giới thiệu hình ảnh, quảng bá sản phẩm của mình đến người tiêu dùng, thu thập thêm được nhiều thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường nông thôn đầy tiềm năng nhưng không khó tính như thị trường xuất khẩu, từ đó đánh giá đầy đủ và chính xác nhất về lợi thế của từng vùng, từng địa phương để xây dựng các chiến lược sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường nông thôn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng mà tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng tốt, góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa trong nước và thúc đẩy nền KT-XH của địa phương phát triển.
Các doanh nghiệp khi tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thành công một phần cũng nhờ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan tổ chức. Anh Trần Phi Tường, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức triển khai các phiên chợ khá bài bản, từ khâu mời gọi các doanh nghiệp tham gia đến chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ tại phiên chợ, đặc biệt là công tác tuyên truyền trước và trong khi diễn ra phiên chợ. Trung tâm đã tập trung tuyên truyền về phiên chợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động, qua hệ thống loa truyền thanh của xã, tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn... Nhờ đó, các phiên chợ đều kêu gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia và thu hút đông đảo người dân đến mua sắm, dần dần khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trên thị trường nông thôn; xây dựng thị trường ổn định và bền vững, tạo niềm tin cho người dân đối với hàng Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, đời sống của người dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, sức mua của người dân còn hạn chế nên các doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng để có những chuyến hàng Việt về nông thôn thật hiệu quả. Thị trường nông thôn đầy tiềm năng với hơn 75% dân số nhưng cũng luôn tràn ngập các loại hàng hóa nhập lậu kém chất lượng với giá rẻ, vì vậy cần có những doanh nghiệp thật sự vì cộng đồng để nỗ lực đưa hàng về thị trường này. Để những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ngày hiệu quả hơn, quy mô hơn, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và các doanh nghiệp nên tận dụng tốt những ưu đãi đó để mạnh dạn tham gia vì có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nguồn tin: Báo Quảng Tri
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính làm việc với Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) (19/03/2022)
- Xử lý hành vi buôn bán bao bì giả (19/03/2022)
- Xử lý hành vi kinh doanh hàng giả đối với mặt hàng áo quần tại chợ Đông Hà (19/03/2022)
- UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh các nhà máy viên nén năng lượng sạch (19/03/2022)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thức khảo sát thực địa xây dựng hệ thống thoát nước thải tại Khu Công nghiệp Quán Ngang (19/03/2022)
- Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Công ty Thủy điện Quảng Trị (19/03/2022)
- Khảo sát thiết kế, lập báo cáo dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (19/03/2022)
- Khai trương Cửa khẩu Quốc tế La Lay trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào (19/03/2022)
-
Nguyễn Văn Trình
0913 474 705
nguyenvantrinh@quangtri.gov.vn
-
Nguyễn Thị Thu Hiền
0919 060 883
nguyenthithuhien@quangtri.gov.vn
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: 313 Hùng Vương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 0233.3852514; 0233.3852265 - Fax: 0233.3852265 - Email: soct@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ
Ghi rõ nguồn http://socongthuong.quangtri.gov.vn khi sử dụng thông tin từ website này